Mất ngủ là một chứng bệnh mà giấc ngủ không được đảm bảo về cả thời lượng và chất lượng giấc ngủ: Khó ngủ, dễ thức tỉnh, sau khi tỉnh khó ngủ lại, hoặc suốt đêm không ngủ được. Chứng mất ngủ có khi xuất hiện đơn độc, cũng có khi xuất hiện với các chứng nhức đầu chóng mặt, hay quên. Do đó người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, uể oải, ngủ gà,… vào ban ngày làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh. Cùng Nhà thuốc Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường tìm hiểu chứng bệnh này theo y học cổ truyền qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân
Lo nghĩ mệt nhọc
Lo nghĩ, mệt nhọc làm hại đến tâm tỳ, tâm tổn thương thì âm huyết hao dần, thần không được nguyên chỗ, huyết nóng thần loạn. Tỳ tổn thương gây ăn ít, ăn không ngon miệng, không muốn ăn, vì thế nguồn sinh hóa không đủ, làm cho vinh huyết hư suy, không nuôi dưỡng được tâm, làm tâm thần không yên.
Dương không giao với âm
Tâm thận không giao, người vốn suy nhược hoặc người bị bệnh lâu, thận âm hao tổn, không lên nuôi dưỡng được tâm, thủy không giúp được hỏa thì tâm dương bốc lên; hoặc tình chí quá cực, tâm hỏa tích lại không xuống giao với thận được; tâm thận bất giao thì tâm hỏa càng thịnh lên, nhiệt nhiễu thần minh, thần chí không yên mà ngủ được.
Âm hư hỏa vượng
Can dương nhiễu động, tình chí tổn thương, can mất điều đạt, khí uất không thông lợi được, uất lại hóa hỏa, hỏa tính bốc lên, âm hư dương cang, nhiễu động tâm thần, thần không yên không ngủ được.
Tâm hư đởm khiếp, tâm thần không yên
Tâm hư đởm khiếp, không quyết đoán được, gặp việc dễ sợ, tâm thần không yên cũng sinh mất ngủ, trường hợp này do người yếu, tâm đởm vốn hư dễ kinh, dễ sợ, đêm ngủ không yên; cũng có khi vì kinh sợ đột ngột, tình tự khẩn trương, suốt ngày lo sợ làm cho tâm hư đởm khiếp không ngủ được
Vị khí không hòa, đêm ngủ không yên
Ăn uống không chừng độ, trường vị bị tổn thương, thức ăn đình trệ gây thành đởm nhiệt, ủng tắc ở giữa; đởm nhiệt quấy lên, vị khí không hòa, làm cho ngủ không yên.
Biện chứng luận trị
Chứng
mất ngủ có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng tóm lại có liên quan tới tâm tỳ, can, thận và âm huyết không đủ đều là vì dương thịnh âm suy, âm dương không giao nhau. Huyết do tinh vi trong đồ ăn thức uống mà hóa sinh ra, lên nuôi dưỡng tâm thì tâm được sung túc, đến tàng ở can thì can được nhu hòa; huyết được thống nhiếp ở tỳ thì sinh hóa không ngừng, điều tiết có chừng độ; huyết hóa sinh ra tinh, tàng chứa ở thận, thận tinh không liên tiếp với tâm, tâm giao xuống ở thận thì thần chí được yên.
Giận dữ, lo nghĩ, ưu uất, lao động mệt nhọc hại đến các tạng, tinh huyết hao tổn ở trong, ảnh hưởng lẫn nhau, thường hình thành bệnh mất ngủ kéo dài, cho nên bệnh mất ngủ phần nhiều do hư.
Thể bệnh
Can uất hóa hỏa
-
Triệu chứng: Không ngủ, tính tình nóng nảy, dễ tức giận, không muốn ăn, khát nước, mặt mắt đỏ, miệng đắng, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện bí kết, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác.
-
Cơ chế: Phần nhiều giận dữ hại can, can mất điều đạt, khí uất hóa hỏa, nhiễu đến tâm thần gây không ngủ. Can khí phạm vị nên không muốn ăn. Can uất hóa hỏa, can hỏa hại vị, vị nhiệt gây miệng khát thích uống nước. Can hỏa vượng thì dễ giận dữ, nóng nảy. Hỏa nhiệt nhiễu lên gây mắt đỏ, miệng đắng. Tiểu vàng đỏ, đại tiện bí kết, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác đều là hiện tượng nhiệt.
-
Pháp điều trị: Sơ can, tả nhiệt, an thần.
-
Phương: Long đởm tả can thang (Long đởm 8g, Chi tử 10g, Hoàng cầm 8g, Trạch tả 12g, Xa tiền 12g, Mộc thông 12g, Đương quy 12g, Sinh địa 12g, Sài hồ 12g, Cam thảo 4g).
Đàm nhiệt nội nhiễu
-
Triệu chứng: Đầu nặng, mất ngủ, nhiều đờm, tức ngực, kém ăn, ợ hơi, nuốt chua, buồn nôn, tâm phiền, miệng đắng, chóng mặt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.
-
Cơ chế: Thức ăn đình trệ, thấp tích thành đờm, vì đờm sinh ra nhiệt, đờm nhiệt nhiễu lên thì tâm phiền, không ngủ. Thức ăn hợp với đờm thấp ủng tắc ở trung tiêu, cho nên ngực tức; thanh dương bị che chở gây đau đầu mắt hoa. Đờm thực đình trệ, khí cơ không lưu lợi làm cho vị mất hòa giáng nên không muốn ăn, ợ hơi hoặc lợm giọng, nôn mửa. Rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác là triệu chứng đởm nhiệt và thức ăn ngưng đọng ở trong.
-
Pháp điều trị: Hòa đàm thanh nhiệt, hòa trung an thần.
-
Phương: Ôn đởm thang gia giảm (Bán hạ 12g, Chỉ thực 10g, Trần bì 8g, Trúc nhự 10g, Hoàng liên 8g, Chi tử 10g, Phục linh 12g).
Âm hư hỏa vượng
-
Triệu chứng: Tâm phiền, không ngủ tâm quý không yên, đầu choáng, ù tai, hay quên, eo lưng đau, lòng bàn tay bàn chân nóng, miệng khô, có khi chiêm bao, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
-
Cơ chế: Thận âm suy kém, không giao được với tâm, tâm hỏa vượng lên, hư nhiệt nhiễu thần, cho nên tâm phiền, không ngủ, tâm quý, không yên. Thận tinh suy hao, bể tủy trống rỗng gây đầu choáng, tai ù, hay quên. Thận âm hư, eo lưng không được nuôi dưỡng gây đau. Tâm thận không giao, cửa tinh không được kiên cố gây chiêm bao, di tinh. Miệng khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ, mạch tế sác đều là hiện tượng âm hư hỏa vượng.
-
Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần.
-
Phương: Hoàng liên a giao thang hoặc Chu sa an thần hoàn.
Tâm tỳ lưỡng hư
-
Triệu chứng: Nhiều chiêm bao, dễ tỉnh giấc, tim hồi hộp, hay quên, chóng mặt, choáng đầu, mệt mỏi, ăn không ngon, sắc không tươi sáng, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược.
-
Cơ chế: Tâm làm chủ huyết, tỳ là nguồn sinh hóa ra huyết, tâm tỳ hư suy, huyết không dưỡng tâm, thần không yên vị gây ngủ hay chiêm bao, hay quên, tim hồi hộp, hay tỉnh giấc. Khí huyết hư suy, không lên nuôi dưỡng cho não, thanh dương không thăng, gây đầu choáng, chóng mặt. Huyết hư không vinh nhuận lên trên gây sắc mặt không tươi sáng, sắc lưỡi nhợt. Tỳ không kiện vận thì ăn uống không ngon, huyết ít khí hư thì tinh thần không phấn chấn, tay chân rã rời, mạch tế nhược.
-
Pháp điều trị: Bổ dưỡng tâm tỳ sinh khí huyết.
-
Phương: Quy tỳ thang (Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 12g, Cam thảo 4g, Viễn chí 6g, Phục thần 12g, Táo nhân 8g, Long nhãn 8g, Đương quy 12g, Mộc hương 6g).
Tâm đởm khí hư
-
Triệu chứng: Khó ngủ, hay chiêm bao, dễ hoảng hốt, kinh sợ, tim hồi hộp, thở ngắn, mệt mỏi, tiểu tiện trong dài, lưỡi nhợt, mạch huyền tế.
-
Cơ chế: Tâm hư, tầm thần không yên, hay hồi hộp. Đởm hư nên dễ kinh sợ, hay chiêm bao, dễ tỉnh giấc. Thở ngắn, khi đoản, mệt mỏi, tiểu trong dài đều là hiện tượng khí hư. Sắc lưỡi nhợt, mạch huyền tế là biểu hiện khí huyết không đủ.
-
Pháp điều trị: Ích khí, trấn kinh, an thần định chí.
-
Phương: An thần định chí hoàn (Nhân sâm 12g, Long cốt 12g, Bạch linh 12g, Xương bồ 12g, Phục thần 10g).
Món ăn – bài thuốc dân gian
Một số món ăn – bài thuốc dân gian có tác dụng an thần, chống mất ngủ như:
-
Thảo quyết minh sao đen: Sắc uống hoặc hãm chè uống hàng ngày;
-
Tâm sen sao vàng: Mỗi ngày 15g sắc uống thay trà;
-
Trà hoa nhài: Hãm nước uống hàng ngày;
-
Hoa hiên, đường phèn: Sắc nước uống trước khi đi ngủ;
-
Chè long nhãn;
-
Lá vông : Mỗi ngày 1 nắm đun nước uống hoặc nấu canh ăn;
-
Hoa thiên lý: Làm rau ăn hàng ngày.
Bên trên là các thể bệnh thường gặp của chứng “thất miên” theo
y học cổ truyền. Khi thấy có các triệu chứng như trên, nên đến các các cơ sở y tế để được khám và điều trị, các phương thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào thể trạng, triệu chứng, thầy thuốc sẽ gia giảm thêm vị thuốc để phù hợp với từng bệnh nhân, không nên tự ý mua thuốc về sử dụng mà không có sự hướng dẫn của người có chuyên môn.
BS. Mỹ Linh (Thọ Xuân Đường)