Dâu tằm và những tác dụng tuyệt vời

Vì xưa kia có quan niệm rằng, cây dâu vừa có ý nghĩa về mặt tâm linh xua đuổi tà ma, tránh được khí độc, lại dùng được gần hết các bộ phận để chữa các bệnh lý thường gặp như cảm sốt, ho,…rất rẻ tiền mà hiệu quả.

Mọi bộ phận của cây dâu đều là thuốc

Cây dâu tằm hay còn gọi là mạy môn (Thổ), dâu cang, tầm tang. Tên khoa học Morus alba L., Morus acidosa Griff, thuộc họ Dâu tằm Maraceae. 
Với những vùng nông thôn mọi người không xa lạ gì với loại cây này, gần như trong vườn mỗi nhà đều có trồng lấy một cây. Vì xưa kia có quan niệm rằng, cây dâu vừa có ý nghĩa về mặt tâm linh xua đuổi tà ma, tránh được khí độc, lại dùng được gần hết các bộ phận để chữa các bệnh lý thường gặp như cảm sốt, ho,…rất rẻ tiền mà hiệu quả. Dâu tằm cung cấp cho ta các vị thuốc sau:
  • Vỏ rễ cây dâu = tang bạch bì – Cortex Mori radicis.
  • Lá dâu = tang diệp – Folium Mori.
  • Quả dâu = tang thầm – Frucstus Mori
  • Cây mọc ký sinh trên cây dâu = tang ký sinh – Ramulus Loranthi, có tên khoa học là Loranthus parasiticus (L.) Merr, thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae)
  • Tổ bọ ngựa trên cây dâu = tang phiêu tiêu – Ootheca Mantidis.
  • Sâu dâu = con sâu nằm trong thân cây dâu. Đây là ấu trùng của một loại xén tóc.

Đặc điểm cây dâu tằm

Cây dâu là một cây có thể cao tới 15 m, nhưng do thường hay lấy lá luôn nên chỉ cao 2-3 m. Lá mọc so le, hình bầu dục, nguyên hoặc chia thành 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hơi tù, phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Hoa đơn tính, khác gốc, hoa đực mọc thành bông, hoa cái cũng mọc thành bông hoặc thành khối hình cầu, có 4 lá dài. Quả bé bao bọc trong các lá đài, mọng nước thành một quả phức màu đỏ, sau đen sẫm. Quả có thể ăn rất ngon hoặc làm thuốc.
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã di thực vào Việt Nam từ lâu. Hiện nay cây dâu được trồng ở khắp nơi cả nước và thường lấy lá nuôi tằm, một số bộ phận được khai thác làm thuốc như đã giới thiệu ở trên.
Thành phần hóa học
Trong lá dâu có chất cao su, chất caroten, tanin, rất ít tinh dầu, vitamin C, colin   (cholin), adenin, trigonellin. Ngoài ra còn có pentozan, đường, canxi malat và canxi cacbornat. Lá dâu còn chứa ecdysteron (nhiệt độ chảy 242oC) và inokosteron (nhiệt độ chảy 255oC), là những chất nội tiết cần cho sự đổi lốt của côn trùng.
Trong vỏ rễ cây dâu có những hợp chất flavon bao gồm mulberrin, mullberrochromen, xyclomulberrin và xyclomulberrochromen. Vỏ rễ cây dâu cũng có acid hữu cơ, tanin, pectin và β amyrin, rất ít tinh dầu.
Quả dâu có nước chiếm 84,71%, đường 9,19%, acid 1,8%, protid 0,36%, tanin, vitamin C, carotin. Trong đường có glucose và fructose. Trong acid có acid malic, acid sucxinic.

Tác dụng theo Y học dân tộc và các bài thuốc kinh nghiệm

Tang bạch bì

Vị này là vỏ trắng của cây dâu, ngọt mà cay, về khí thời hàn, không có chất độc, đi và kinh thủ thái âm, kỵ chì và sắt. Đi đôi với vị tục đoạn, vị quế tâm, với hạt vừng (ma tử).
Tang bạch bì tả hỏa, ngừng chứng ho suyễn lâu ngày, hen, chứng nhổ đàm, chứng nhổ ra huyết, lại lợi tiểu tiện tiêu phù nề, thủy thũng, chữa sốt, giải khát tiêu đàm, hạ áp. Đây là khí dược của tạng phế, mà vị tử uyển là huyết dược của tạng phế, vì vị tang bạch bì trắng còn tử uyển màu tía.
Tuy thế, vị này chỉ có tả mà không bổ, nên chứng phế hư không có hỏa, ho do hàn mà tiểu tiện nhiều phải kiêng.
Phép chế: đào lấy rễ ở dưới đất về phía đông thời tốt hơn, nếu lấy rễ ở trên mặt đất thời uống vào có hại. Rễ ấy cạo bỏ lượt vàng ở ngoài rồi tước lấy vỏ trắng (bỏ lõi) mà dùng. Uống với nước thanh nhiệt thì dùng sống, uống với thuốc bổ phế thì tẩm mật mà sao.
Xét vị này là tinh khí của cây dâu, cho nên thêm huyết, hòa huyết, trừ phong thấp và tê, lại có dùng về chứng thai tiền sản hậu.
Bài thuốc trong dân gian:
  • Chữa ho ra máu: Tang bạch bì 600g, ngâm nước vo gạo 3 đêm, tước nhỏ, cho thêm 250g gạo nếp, sao vàng và tán nhỏ, trộn đều. ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g chiều bằng nước cơm.
  • Ho lâu năm: Vỏ cây dâu – vỏ rễ cây chanh, hai vị bằng nhau, mỗi thứ 10g sắc uống trong ngày.
  • Trẻ con ho có đờm: Tang bạch bì 4g sắc với nước cho uống.
  • Rụng tóc: Lấy tang bạch bì giã dập, ngâm nước. Đun sôi nửa giờ, lọc lấy nước đó gội đầu.

Tang diệp

Theo đông y, lá cây dâu có vị đắng, ngọt, tính hàn, vào hai kinh can và phế. Có tác dụng tán phong, thanh nhiệt lương huyết sáng mắt, dùng chữa phong ôn biểu chứng, lao nhiệt sinh ho, đầu nhức mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, hoa mắt.
Cách dùng: Lá cây dâu, cấu lá này về sáng sớm, vò ra nước để rửa mặt thời chữa được chứng nước mắt giỏ, sáng mắt. Giã với muối để rịt chứng ngã hay bị đánh gây ứ huyết. Sắc nước mà uống  để tiêu chứng nề thũng nước, lại hạ sốt trị cảm mạo, cho ra mồ hôi.  Phơi khô tán bột với thuốc để chữa chứng hoắc loạn thổ tả, chứng phong mà tê đau.
Bài thuốc trong dân gian:
  • Chữa nôn ra máu: Lá dâu cuối mùa, sao vàng, sắc uống. Ngày uống 12-16g.
  • Mụn nhọt lâu ngày không liền miệng: Lá dâu sao vàng, tán nhỏ, rắc vào mụn đã rửa sạch.

Tang chi

Vị này là cành nhỏ của cây dâu, vị đắng, tính bình, vào kinh can. Có tác dụng khứ phong thấp, lợi quan tiết (khớp xương), dùng chữa phong hàn thấp tý đau nhức. Sắc nước để uống thời tai mắt tỏ ra, lại chữa chứng cước khí mà chân tay co quắp, chứng phong sang mà bì phu khô ráo, nhẹ được chứng suyễn và khí ngược lên, tiêu chứng ung độc sưng nhiều, thông chỗ đi tiểu tiện, đỡ chứng mắt quầng.

Tang thầm

Quả của cây dâu, về vị thời ngọt, chua, về khí thời hơi hàn, vào hai kinh can và thận. Là thuốc bổ can thận, sáng mắt, bổ toàn thân để thêm chân huyết, dưỡng chân âm mà trừ nhiệt, giúp sự tiêu hóa, chữa bệnh kém ngủ, râu tóc bạc sớm. Dùng chữa bệnh tiêu khát, loa lịch, mắt có màng, tai ù, huyết hư, tiện bí. 
Cách dùng: Phơi khô rồi hòa với mật làm thuốc hoàn thời thông các khiếu, chấn thần hồn mà ăn lâu không đói và sáng tỏ được tai mắt. Thứ quả đen vắt lấy nước nấu cao thêm mật vào mà uống để giải độc cho vị thuốc bằng chất kim thạch, đem nhuộm râu tóc thời đen lại.
Những người đại tiện tiết tả không được dùng.
Bài thuốc trong dân gian:
  • Chữa tràng nhạc: Tang thầm đã chín đen lấy 2 bát đầy, cho vào vải vắt lấy nước, cô thành cao mềm. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.
  • Tóc không mọc, tóc bạc: Quả dâu ngâm nước, lọc lấy nước xát vào đầu. 

Tang ký sinh

Tang ký sinh là cây tầm gửi cây dâu, vị đắng tính bình, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, chữa đau lưng, đau mình, an thai, đẻ xong ít sữa. Chữa được chứng sang nhọt, dẹp được chứng phong thấp, chữa chứng đau lưng mà bệnh nặng, lại an thai, xuống sữa, chữa chứng băng huyết , lậu huyết chứng thai tiền, chứng sản hậu, cùng mạnh gân cốt, nở da thịt, thêm huyết mạch, dài râu tóc, và là thánh dược chữa chứng phong thấp co quắp. 
Bài thuốc trong dân gian:
  • Động thai đau bụng: Tang ký sinh 60g, cao ban long 20g, ngải diệp 20g, nước 3 bát đầy (khoảng 600ml). Sắc còn một bát (150-200ml), chia uống nhiều lần trong ngày.

Tang phiêu tiêu

Tổ bọ ngựa trên cây dâu có vị ngọt, mặn, tính bình, vào hai kinh can và thận. Tang phiêu tiêu có tác dụng ích thận, cố tinh. Dùng  lợi tiểu tiện, chữa đi tiểu nhiều lần, đái són, di tinh, liệt dương, kinh nguyệt bế, bạch đới, trẻ con đái dầm.
Những người âm hư nhiều hỏa, bàng quang nóng không dùng được.
Bài thuốc trong dân gian:
  • Động thai – bí tiểu tiện: Tang phiêu tiêu nướng vàng tán nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.

Sâu dâu

Chữa bệnh trẻ con bị đau mắt, nhiều dử, nhiều nước mắt. Cả con sâu nướng lên ăn hoặc ngâm rượu.  
Ý nghĩa về tâm linh và tác dụng khác

Về tâm linh

Theo quan niệm dân gian, dân ta vẫn lưu truyền những câu chuyện người bị tà ma nhập hay vong hồn theo thường dùng roi mây, roi cành dâu để bắt, xua đuổi. Ngày nay rất nhiều người nhất là những nhà có trẻ con, trẻ sơ sinh khi phải di chuyển qua nhiều nơi vẫn dùng cành dâu, vòng dâu như một phương cách bảo vệ, xua đuổi tà ma, các khí không tốt cho sức khỏe từ xác chết động, thực vật (giống như việc ra đường đem theo tỏi bên mình tránh hàn khí, âm khí). Trẻ hay khóc đêm không ngớt, ngoài những vấn đề về thay đổi môi trường, vấn đề sức khỏe, thì mọi người còn tin do trẻ bị ảnh hưởng vía của người lạ hay bị quấy bởi những thứ khác, khi này dân gian dùng cành lá dâu để đánh nhẹ vào người trẻ, với trẻ nam đánh 7 cái, trẻ nữ 9 cái. Hay nhà có sản phụ mới sinh cũng thường treo quanh phòng/ nhà 7 hoặc 9 cành dâu với suy nghĩ tránh âm khí hay những điều không may mắn của người ở cữ ảnh hưởng đến những người trong gia đình. Lại có ý truyền miệng rằng nếu đêm ngủ hay mơ mộng li bì, ngủ không yên, bóng đè có thể đặt một cành dâu dưới gối.
Chuyên gia nghiên cứu phong thủy, văn hóa dân tộc – ông Nguyễn Tam Nguyên cũng chia sẻ: Theo các tài liệu cổ có ghi chép lại, có hai loại cây được người dân xưa cho rằng có khả năng trừ tà trừ quỷ là cây dâu tằm và cây đào. Nhưng bộ phận để sử dụng và có công dụng như trên chỉ có phần lõi của cành bánh tẻ, và phải được lấy từ những cây dâu đã được trồng lâu năm, khá khó tìm. Vậy nên nếu như gia đình nào còn giữ một hai cây đã trồng nhiều năm trong vườn (không nên trồng trong nhà hay trước cửa nhà vì có quan niệm là không may mắn) thì nên giữ lại vì những tác dụng hữu ích ấy.

Về tác dụng trong nuôi trồng, sản xuất

Trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành ngành nông – công nghiệp đang phát triển mạnh ở nhiều khu vực trên cả nước. Từ xa xưa người ta đã biết đến việc cho con tằm ăn lá cây dâu và thu hoạch tằm do nó sinh ra. Nhưng trước kia với việc trồng thủ công, dệt bằng tay nên chỉ đủ kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc đủ làm vật dụng cho gia đình. Hiện nay Nhà nước đã có kêu gọi nông dân và đầu tư như một ngành công nghiệp nhẹ, bao gồm: trồng dâu theo công tác nghiên cứu khoa học để tăng sản lượng lá dâu được thu hoạch, nuôi tằm và phân loại tằm theo tuổi, cùng một số kỹ thuật được bàn giao để tăng năng suất tằm khỏe cho ra tơ dai, bóng. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp lâu đời, mà phát triển thêm được một ngành tiểu công nghiệp đó là sản xuất và xuất khẩu vải tơ tằm càng ngày càng được nâng cao chất lượng.
Từ một loại cây quen thuộc, đơn giản, dễ trồng lại đem lại cho con người và nền kinh tế nước nhà những ý nghĩa rất thiết thực, to lớn. Biết bảo tồn, phát triển những văn hóa, giá trị của dân tộc luôn là điều mà người thời nay nên hướng tới.
BS. Tú Uyên
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới