Dân gian ta có câu “Mọi cái họa từ miệng mà ra, mọi thứ bệnh từ miệng mà vào” cho thấy được việc ăn uống của con người có tầm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, bệnh tật. Trong thời đại văn minh hiện nay thì việc ăn uống được nhiều người am hiểu coi là một nghệ thuật, và giúp mỗi người có thể vận dụng để chăm sóc sức khỏe chủ động. Mời mọi người cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về tác dụng của thức ăn dưới góc nhìn Y học cổ truyền…
Những thực phẩm thường ngày được phân loại theo ngũ hành
Y học Đông phương lấy hai học thuyết m Dương Ngũ hành và
học thuyết Thiên nhân hợp nhất làm nền tảng. Hai học thuyết này chỉ ra vạn vật trời đất vận hành không nằm ngoài ngũ hành, và cơ thể con người với thiên nhiên có mối liên hệ hợp nhất không thể tách rời. Đó cũng là cơ sở dưỡng sinh, điều trị bệnh y học cổ truyền. Việc lựa chọn thực phẩm theo ngũ hành và bản tạng của mỗi người là rất khoa học. Nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt được các thực phẩm ấy đúng ngũ hành, cũng như không biết cơ thể mình đang ở thể trạng gì. Dưới đây là một số gợi ý có thể áp dụng:
Yếu tố |
Ngũ hành |
Mộc |
Hỏa |
Thổ |
Kim |
Thủy |
Ngũ vị |
Chua |
Đắng |
Ngọt |
Cay |
Mặn |
Ngũ tạng |
Can |
Tâm |
Tỳ |
Phế |
Thận |
Ngũ sắc |
Xanh |
Đỏ |
Vàng |
Trắng |
Đen |
Ngũ chất |
Chất bột |
Chất béo |
Chất đạm |
Muối khoáng |
Nước |
Các thực phẩm thuộc Mộc
-
Thức ăn có vị chua, thức ăn màu xanh lá;
-
Thịt gà, gan, tôm, lúa mì, củ cải, rau cải, măng tây, cần tây, bông cải xanh, rau bina, kim chi, dưa chua các loại, giấm, sữa chua…
-
Trái cây như: bưởi, cam, chanh, dứa, mận,…
Các thực phẩm thuộc Hỏa
-
Thức ăn có vị đắng, hầu hết các loại thực phẩm màu đỏ, đồ khô và đồ nóng;
-
Thịt cừu, thịt nai, cà chua, bồ công anh, cải xoong, ớt nóng, hạt tiêu đen, rượu bia, cà phê, đồ uống có gas, socola…
-
Trái cây như: vỏ cam quýt, mơ, mận, mâm xôi, dâu tây…
Các thực phẩm thuộc Thổ
-
Thức ăn ngọt và tinh bột, thực phẩm màu vàng, cam;
-
Thịt bò, kê, yến mạch, ngô, hành tây nấu chín, cà rốt, khoai môn, khoai tây, khoai lang, dưa chuột, đậu bắp, đậu lăng, đậu hà lan, bắp cải, đường, sữa, si rô…
-
Trái cây: đu đủ, xoài, dưa đỏ, dưa hấu, dừa, nho, đào, anh đào, chuối…
Các thực phẩm thuộc Kim
-
Thức ăn cay, thực phẩm màu trắng;
-
Gạo trắng, phomat trắng, sữa kem, đậu phụ, tỏi, hẹ, hành tây sống, củ cải, súp lơ trắng, su hào, kinh giới, húng tây, húng quế, lá hương thảo, hành lá, quế, bạc hà, rau mùi, thì là, mù tạt,…
-
Trái cây: lê…
Các thực phẩm thuộc Thủy
-
Thức ăn mặn, có màu tối, màu tím, đen hoặc xanh đậm;
-
Cá tươi, cá muối, trứng cá muối và trứng cá, rong biển, thịt lợn, động vật có mỏ, trứng, đậu, nước tương, mè đen, cải xoăn, cà tím…
-
Trái cây như: quả óc chó, quả sung, việt quất, mâm xôi,…
Bệnh về ngũ tạng, hiện chứng hư thực
Tạng-Can để nuôi cân
Tạng Can thực (là mạnh) thời huyết dư ra, hay giận. Tạng Can hư yếu thời khí không đủ, hay thương. Những chứng đau mắt, đau cạnh sườn, hay giận dữ, gân co lại, móng tay móng chân khô và xanh, mắt trực thị, đầu choáng váng, hoa mắt, đều là bệnh ở tạng Can.
Tạng-Tâm chủ về huyết và mạch
Tạng Tâm thực (là mạnh) thời thần dư ra, hay cười. Tạng Tâm hư yếu thời khí tạng tâm không đủ mà hay lo. Những chứng sốt, mồ hôi đổ, đau ngực, nước dãi dàn ra, hay cười, phát cuồng, kinh giật, hoảng hốt, lưỡi ngay ra hay lưỡi trắng, sắc mặt khô xỉn và những người trước phú quý sau bần tiện mà thụ bệnh đều bởi tạng Tâm.
Tạng-Tỳ chủ về cơ nhục và chân tay
Khí của tạng Tỳ thực thời hình thể dư ra mà đầy chướng, tạng Tỳ nóng thời chóng đói hay khát. Tạng Tỳ hư yếu, thời khí của tạng ấy không đầy đủ, vì tạng Tỳ nhiệt mà sốt thời sờ tay nhẹ không nóng, ấn tay mạnh cũng không nóng, mà nóng ở chỗ không nhẹ không nặng, đến đêm thời bệnh nặng. Ở trong bụng đầy là khí của tạng Tỳ yếu, yếu thì thịt sút đi, khí kém vận hóa mà nhiều đàm. Dương khí của tạng Tỳ yếu thời bệnh đêm nhẹ ngày nặng, hay ăn mà không vận hóa. m huyết của tạng Tỳ hư yếu thời bệnh đêm nặng ngày nhẹ, đói mà không muốn ăn, hay là nước dãi dàn ra, đại tiện đi khô hoặc lo nghĩ ít ngủ mà thành chứng chướng đầy mà không có gì (hư chứng).
Những chứng trong bụng đầy chướng, bế tắc không thông, đói mà không muốn ăn, hay ăn không tiêu hóa, ăn no thời nhọc mà buồn ngủ, chứng thổ tả, chứng thấp nhiệt mà vàng da nặng mình, chứng huyết thiếu sinh ra phong, hay lo nghĩ không ngủ, đờm đặc mà vàng, người sốt mà miệng ngọt và khí hư hãm trở xuống đều bởi tạng Tỳ.
Tạng-Phế chủ về da lông
Tạng Phế thực thì khí thịnh, thời suyễn hay là ho nhổ. Tạng Phế hư yếu thời khí không đầy đủ, thời thở dài mà ngày nặng hơn đêm. Những chứng suyễn ngược lên, ho nhổ, đoản khí, chân tay mỏi hay tê, tiểu tiện khó đi, ráo khai, da khô lông rụng, đều thuộc tạng Phế.
Tạng-Thận chủ về xương
Tạng Thận thực thời khí dư ra thời đi cầu phân lỏng. Tạng Thận hư yếu thời khí không đầy đủ thời vô lực. Tạng Thận nhiệt thời sờ tay không nóng, ấn tay mạnh đến xương mới nóng, nửa đêm thời nóng nhiều, đi tiểu nóng mà đau, đại tiện bế.
Những chứng ráo khát, đau cuống họng, hỏa bốc lên mà sốt, nhức xương, sốt nóng tận xương, đau lưng, đi cầu sống phân, người phù thũng nước, mặt xanh hay bóng trắng, đi tiểu luôn mà nhiều, hay là vì yếu mà bí tiểu, đại tiện táo kết, di tinh, ăn nhanh đói, tai điếc, khí ở dưới rốn đem ngược lên mà suyễn ho, mặt đỏ bừng bừng, ít tuổi mà đã đau rang, mắt mờ không trông được xa, vì lo sợ mà thành bệnh, đầu mặt và má đau, chân hỏa hư hay chân thủy hư đều bởi tạng Thận.
Trên đây là một số biểu hiện hay triệu chứng bệnh nổi bật của ngũ tạng, mà các độc giả có thể tham khảo để chọn thức ăn phù hợp với thể chất và đặc biệt với tình trạng bệnh của bản thân. Khi cơ thể đã bị bệnh việc tìm thầy thuốc, uống thuốc là điều cần thiết vì bệnh được điều trị đúng mới mau khỏi và không làm tổn hại nhiều đến nguyên khí. Nhưng nền tảng cơ thể phải đủ thì mới có môi trường tốt để thuốc có thể đi đến trúng đích, như y văn cổ vẫn hướng dẫn dùng thuốc thì thuốc tốt, thầy giỏi nhưng điều quan trọng là vị khí của bệnh nhân phải còn, mà vị khí thì được bồi đắp hằng ngày bằng đồ ăn thức uống. Vị khí khi hư tuyệt, thuốc chưa kịp vào đến đã nghịch lên mà nôn ra thời lấy đâu được hiệu quả.
Ẩm thực theo bẩm tố và bệnh tật
Dân gian ta có câu “Mọi cái họa từ miệng mà ra, mọi thứ bệnh từ miệng mà vào” cho thấy được việc ăn uống của con người có tầm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, bệnh tật. Trong thời đại văn minh hiện nay thì việc ăn uống được nhiều người am hiểu coi là một nghệ thuật, và giúp mỗi người có thể vận dụng để chăm sóc sức khỏe chủ động. Ngoài chọn thực phẩm, cách phối ngũ theo ngũ hành các loại thịt cá, rau củ với các loại gia vị cũng giúp tăng hương vị thơm ngon của món ăn, hơn hết có thể có tác dụng điều hòa khí vị của một số thực phẩm, có tác dụng chữa bệnh cũng hay. Tham khảo phần hiện chứng các tạng trên và một số thực phẩm thường ngày đã xếp theo ngũ hành, biết được bẩm tố cơ thể mình, vận dụng quan hệ tương sinh tương khắc trong ngũ hành để chọn thực đơn phù hợp.
Hiện chứng ở Can
Can hư nên ăn thêm các thực phẩm hành mộc và thủy, tránh ăn đồ thuộc hành hỏa và kim. Can thực giảm ăn đồ hành mộc, có thể ăn hoặc gia vị thêm đồ hành kim.
Hiện chứng ở Tâm
Tâm hư ăn nhiều hơn các thực phẩm hành hỏa và mộc, giảm đồ ăn hành thổ và thủy. Tâm thực kiêng đồ ăn hành hỏa, ăn nhiều hơn thức hành thủy.
Hiện chứng ở Tỳ
Tỳ hư cần ăn những đồ bổ thuộc hành thổ, hỏa, tránh dùng nhiều đồ hành kim, mộc. Tỳ thực giảm thực phẩm hành thổ, tăng ăn ở các hành kim, mộc.
Hiện chứng ở Phế
Phế hư nên ăn nhiều thức bồi bổ phế kim và hành thổ, giảm bớt thức ăn thuộc hành thủy và hỏa. Hay khi có hiện chứng phế thực thì ngược lại.
Hiện chứng ở Thận
Thận hư thì ăn nhiều thực phẩm, rau quả hành thủy, hành kim, ăn ít đồ thuộc hành mộc, hành thổ. Thận thực thì lại nên giảm lựa chọn thức thuộc hành thủy.
Một số phối ngũ thức ăn vừa tăng mùi vị cho món ăn và giảm tác dụng có thể gây bệnh của thức ăn như:
-
Thịt gà thường sẽ chế biến cùng với lá chanh: dân gian thường nói “thịt gà là phải đi với lá chanh” không chỉ đơn giản gia vị cho thơm, nhưng lá chanh giúp định phong cho thịt gà là loại thịt gây động phong khi ăn vào. Với những người khỏe mạnh ăn vào sẽ thấy ngon và sẽ giảm nguy cơ gây bệnh do nội phong, với những người đang bị bệnh ngoại cảm phong tà hay các bệnh phong nội động như động kinh, phong tê thấp nên hạn chế tối đa ăn thịt gà hoặc nếu ăn ít thì cần ăn kèm lá chanh.
-
Ốc, hải sản…thường được chế biến cùng các loại gia vị cay nóng như ớt, sả, gừng…giúp giảm tính hàn. Những người Tỳ vị hư hàn hay lạnh bụng đi lỏng không nên ăn quá nhiều những thực phẩm này, và khi ăn thì cần chế biến cùng các loại gia vị kể trên.
-
Các loại ếch, nhái, trạch, lươn…(sống trong bùn, đàm thấp nhiều) để ý sẽ thấy thực đơn rất hay có lá lốt chiên xào cùng hoặc ăn sống kèm theo. Vì lá lốt trừ đàm thấp rất tốt, khi ăn cùng sẽ hạn chế tích đàm trong cơ thể, giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa.
Đối với những trường hợp mắc nhiều bệnh lý phức tạp, hoặc khó xác định được bẩm tố cơ thể mình thuộc hiện chứng nào, thì nên đến với các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám, bắt mạch và tư vấn tốt nhất.
Tạm kết
Việc ăn uống theo ngũ hành, thể chất không những đem lại một cơ thể khỏe mạnh thư thái, mà khi không may mắc bệnh, hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng đủ sức chống đỡ và kích thích khả năng tự hồi phục, bổ trợ cho quá trình điều trị bệnh được tối ưu, hiệu quả nhất. Vì mỗi cơ thể là một bộ máy hoàn hảo thuở ban đầu, nếu biết vận hành và bảo dưỡng khoa học thì “bộ máy” ấy sẽ phục vụ được lâu bền mà không phải để chúng ta “phục vụ” ngược lại!
Tại nhà thuốc Thọ Xuân Đường, bên cạnh việc khám và điều trị bệnh bằng y học cổ truyền, bệnh nhân còn được hỗ trợ tư vấn và xây dựng chế độ dinh dưỡng ăn uống phù hợp đặc biệt các bệnh lý khó như
động kinh, xơ cứng bì, ung thư… Kết hợp được dùng thuốc, ăn uống, tinh thần thì điều trị bệnh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Mong rằng y học có thể gần gũi hơn và giúp ích nhiều hơn cho mọi người, để vươn tới sức khỏe toàn dân cho một dân tộc hưng thịnh.
BS. Tú Uyên