Kiểm soát tăng huyết áp bằng thảo dược

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hoá. Việc kiểm soát tăng huyết áp bằng các loại thảo dược đã được chứng minh là mang lại hiệu quả rất tốt. Chúng ta cùng tìm hiểu.
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hoá. Tăng huyết áp không chỉ ảnh xấu đến sức khỏe người bệnh, mà còn là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim... để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, việc kiểm soát huyết áp nhanh chóng và hiệu quả là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, sử dụng các loại thuốc Tây…thì phương pháp sử dụng các loại thảo dược để kiểm soát tăng huyết áp cũng mang lại hiệu quả rất tốt và giúp ổn định huyết áp lâu dài.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hội tăng huyết áp quốc tế (ISH), tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90mmHg. Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp tăng huyết áp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát) như: Các bệnh lý về thận, các bệnh nội tiết, các bệnh tim mạch hoặc do một số nguyên nhân khác (thuốc, thai nghén…).
Tăng huyết áp được xem như “ Kẻ giết người thầm lặng”, bởi vì bệnh thường diễn biến âm thầm và đa phần các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp đều rất mờ nhạt. Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân tăng huyết áp đều không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Một số ít bệnh nhân tăng huyết áp có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi hoặc hiếm hơn là chảy máu cam…

Quan điểm về tăng huyết áp theo đông y

Bệnh danh

Theo Đông y thì tăng huyết áp được xem như một hội chứng bao gồm:
  • Hoa mắt, chóng mặt được xếp vào chứng Huyễn vựng;
  • Đau đầu được xếp vào chứng Đầu thống;
  • Hồi hộp, đánh trống ngực được xếp vào chứng Tâm quý, Chính xung;
  • Đau ngực được xếp vào chứng Tâm thống, nếu đau ngực có kèm khó thở thì gọi là Tâm tý, Tâm trướng;
  • Hôn mê, liệt nửa người xếp vào chứng Trúng phong.

Nguyên nhân 

Theo Đông y thì tăng huyết áp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
  • Yếu tố tinh thần (rối loạn thất tình): Thường gặp ở những người hay cáu giận, căng thẳng thường xuyên làm cho can khí bị uất kết lâu ngày gây tổn thương tạng can. Can âm hư, can dương vượng lên gây ra các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, miệng đắng, họng khô.
  • Yếu tố ăn uống không điều độ: Là do chế độ ăn uống quá nhiều các chất béo, ngọt, uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá... dẫn đến đàm thấp nội sinh mà phát bệnh, thường gặp ở những người béo và tăng mỡ máu.
  • Nội thương hư tổn: Thường gặp ở những người do lao lực quá độ hay ở người cao tuổi, thận yếu, can không được nuôi dưỡng dẫn đến can phong nội động sinh ra chứng huyễn vựng.
  • Thể bệnh

Đông y quy nạp chứng huyễn vựng thành 4 thể lâm sàng chính: Can dương vượng, can thận âm hư, đàm thấp, tâm tỳ hư và tùy thuộc vào tính chất bệnh lý của mỗi thể bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau:
Thể can dương vượng:
  • Triệu chứng: Người bệnh thường đau đầu, hoa mắt hay có cơn bốc hỏa, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, mạch huyền.
  • Pháp điều trị: Bình can tiềm dương.
Thể can thận âm hư:
  • Triệu chứng: Người bệnh thường nhức đầu chóng mặt, hoa mắt ù tai, hoảng hốt, dễ sợ, ngủ ít hay nằm mê, lưng gối yếu, miệng khô, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác (thiên về âm hư). Thiên về dương hư thì mặt trắng, chân gối mềm yếu, đi tiểu nhiều, liệt dương di tinh, mạch trầm, tế...
  • Pháp điều trị: Tư dưỡng can thận. Thiên về âm hư thì bổ can thận âm, thiên về dương hư thì ôn dưỡng can thận.
Thể đàm thấp:
  • Triệu chứng: Người bệnh thường hoa mắt, chóng mặt, đầu thường có cảm giác nặng, người thường béo phì, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.
  • Pháp điều trị: Trừ đàm, hóa thấp.
Thể tâm tỳ hư:
  • Triệu chứng: Người bệnh sắc mặt trắng, da khô, mệt mỏi, ngủ ít, ăn kém, hay đi phân lỏng, đầu choáng, mắt hoa, rêu lưỡi nhạt, mạch huyền tế.
  • Pháp chữa: Kiện tỳ, bổ huyết, an thần.

Một số thảo dược giúp kiểm soát tăng huyết áp hiệu quả

Câu đằng

Câu đằng có vị ngọt, tính hàn, quy vào các kinh Can và Tâm bào. Có công năng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh, giúp điều trị các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do tăng huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của câu đằng chủ yếu do hoạt chất rhynchophyllin, hoạt chất này gây ức chế hệ thần kinh giao cảm, làm giãn các mạch máu ngoại vi nên làm hạ huyết áp.
Cách dùng: Ngày dùng 6-15g dạng thuốc sắc.
Chú ý nếu dùng phối hợp câu đằng với các vị thuốc khác thì khi thuốc gần được mới cho câu đằng vào đun sôi 15 phút là được, bởi vì câu đằng sắc lâu sẽ mất tác dụng.

Cúc hoa vàng

Cúc hoa vàng có vị cay ngọt đắng, tính hơi hàn, quy vào kinh Phế, can, thận. Cúc hoa vàng có tác dụng phát tán phong nhiệt, giáng áp, thanh can minh mục, thanh nhiệt giải độc... Chữa cảm mạo phong nhiệt, hoa mắt, nhức đầu, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, mụn nhọt.
Cơ chế giúp hạ huyết áp ở cúc hoa vàng là do tác dụng ức chế phản xạ vận mạch ở trung ương và tác dụng ức chế adrenalin, nhưng không ảnh hưởng đến lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh ở hạch. 
Cách dùng: Dùng mỗi ngày 8-16g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.

Hòe hoa

Hoè hoa có vị đắng, tính bình, quy vào hai kinh can và đại tràng, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết, dùng để điều trị các bệnh chảy máu cam, ho ra máu... Ngoài ra, hoè hoa cũng là thảo dược có tác dụng điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả và không gây nhờn thuốc sau thời gian sử dụng lâu dài. Trong cây hòe hoa có chứa Rutin là một loại vitamin P có tác dụng giúp nâng cao độ đàn hồi của mạch máu và giảm tính thấm của mao mạch, giảm trương lực cơ trơn và chống co thắt, giảm tác dụng của adrenalin trong cơ thể. Do vậy, mọi người thường dùng hòe hoa để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não…
Cách dùng: Ngày dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc uống hoặc hãm như hãm chè.

Đỗ trọng

Đỗ trọng có vị ngọt, cay, tính ôn, quy vào kinh can, thận. Đỗ trọng không chỉ được biết đến là vị thuốc điều trị các bệnh xương khớp rất tốt, mà còn được dùng chữa nhiều bệnh khác, trong đó có tăng huyết áp. Cơ chế giảm huyết áp của cây đỗ trọng là do thuốc làm giãn cơ trơn mạch máu, gây tác dụng giãn mạch ngoại vi, từ đó giúp hạ huyết áp hiệu quả.
Bên cạnh đó, nó còn giúp hạ cholesterol máu, giãn mạch, tăng lưu lượng của động mạch vành nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, ngăn ngừa biến chứng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Cách dùng: Đỗ trọng, sao, sắc lấy nước uống hoặc tán bột mịn. Mỗi ngày dùng từ 3-15g. 

Ngưu tất

Theo Đông y, ngưu tất có vị đắng, chua, tính bình, quy vào kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, hoạt huyết điều kinh, giải độc, giáng áp. 
Cách dùng: Dùng ngưu tất thái lát mỏng 12g, hằng ngày có thể sắc hoặc hãm bằng phích nước nóng, uống thay nước trong ngày. 

Nấm linh chi

Nấm linh chi là một loại dược liệu quý hiếm, mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo quan niệm của đông y, nấm linh chi vị đắng, tính hàn, quy vào kinh tâm, phế, can, thận, có công năng bổ khí, dưỡng huyết, dưỡng tâm an thần, chỉ khái, bình suyễn. Trong thành phần của nấm linh chi có chứa germanium, polysaccharides, steroids, axit ganoderic… những hoạt chất này có tác dụng ức chế sự tập trung  tiểu cầu do đó giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả và an toàn bệnh cao huyết áp, giúp điều hòa và làm ổn định huyết áp. Ngoài ra, nấm linh chi còn tác dụng tốt trong việc phòng chống máu nhiễm mỡ, giúp giảm cholesterol xấu và mảng bám trên thành mạch, tăng cường sức bền và độ đàn hồi của thành mạch, từ đó giúp máu lưu thông tốt hơn đẩy lùi nguy cơ tăng huyết áp.
Cách dùng: Nấm linh chi có thể dùng dưới dạng bột nghiền mịn pha với nước uống hoặc dùng nấm linh chi thái lát mỏng hãm nước uống dần trong ngày.

Rễ nhàu

Rễ nhàu là một trong các loại thảo dược giúp hạ huyết áp tuyệt vời dành cho các bệnh nhân tăng huyết áp. Các hoạt chất trong rễ nhàu có khả năng chống oxy hóa và ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Bên cạnh đó rễ nhàu còn có tác dụng làm giãn mạch giúp tăng lưu lượng máu lưu thông hạ huyết áp nhanh chóng.
Cách dùng: Lấy 30 – 40g rễ nhàu, sắc và uống hằng ngày thay nước chè. Duy trì sử dụng 15 ngày sẽ thấy huyết áp có cải thiện. Có thể bớt liều dần sau đó nhưng phải uống duy trì khoảng 2 – 3 tháng để huyết áp ổn định.

Xạ đen

Ngoài khả năng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu, cây thuốc xạ đen còn có tác dụng trong chữa huyết áp cao, điều hòa huyết áp không ổn định. 
Cách dùng: Dùng xạ đen khô hãm với nước uống. Người bị cao huyết áp nên uống nước xạ đen hàng ngày để có công dụng hiệu quả nhất.

Ưu điểm khi kiểm soát tăng huyết áp bằng thảo dược

An toàn, không gây tác dụng phụ: Nguyên liệu được sử dụng là các thảo dược từ tự nhiên. Do đó thường không gây độc và tác dụng phụ, đặc biệt còn có thể dùng chung với thuốc điều trị khác mà không gây tương tác hay giảm tác dụng của thuốc. 
Ổn định huyết áp lâu dài: Việc điều trị tăng huyết áp bằng thảo dược là dựa theo nguyên lý tác động sâu vào bên trong, trị gốc rễ của bệnh, giúp ổn định huyết áp lâu dài.
Hạn chế tác dụng phụ và thay liều thuốc Tây: Đối với thuốc Tây y, sau khi dùng một thời gian, người bệnh có thể gặp phải tình trạng “nhờn” thuốc dẫn đến phải tăng liều hay thay đơn thuốc khác. Khi phối hợp với Đông y sẽ giảm tình trạng lạm dụng thuốc Tây và giảm nguy cơ bị tác dụng phụ do thuốc Tây gây ra.
Mặt khác, kiểm soát huyết áp bằng các thảo dược còn giúp hỗ trợ sức khỏe của người bệnh, cải thiện thể trạng, thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, cho tinh thần sảng khoái hơn.

Một số lưu ý khi dùng thảo dược điều trị tăng huyết áp

Kết hợp với thuốc Tây để điều trị:Việc sử dụng các loại thảo dược chỉ giúp hỗ trợ điều trị tăng huyết áp chứ không thay thế hoàn toàn được thuốc Tây, vì vậy người bệnh không được tự ý bỏ thuốc.
Cơ thể cần thời gian để hấp thụ các hoạt chất có trong thảo dược nên sẽ không cho hiệu quả nhanh chóng như thuốc tây. Cho nên, người bệnh cần kiên trì dùng thuốc lâu dài, không được nôn nóng sử dụng quá liều để tránh gặp phải những tác dụng ngược không mong muốn.
Trong quá trình sử dụng, nếu cơ thể gặp phải các vấn đề bất thường như khó chịu, buồn nôn, nổi mẩn,… thì cần dừng ngay. Sau đó theo dõi sức khỏe hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám, hỗ trợ. 
Thảo dược dùng trong các bài thuốc nên chọn loại có chất lượng tốt. Nếu mua bên ngoài thì nên ưu tiên những địa chỉ uy tín. Đồng thời, trước khi sử dụng nên rửa sạch để loại bỏ đất cát, bụi bẩn, vi khuẩn,… giúp sức khỏe luôn được bảo vệ an toàn nhất.
Hạn chế sử dụng ấm bằng kim loại để nấu thuốc. Thay vào đó, nên dùng loại được làm bằng đất hoặc sứ để giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất có trong thảo dược, cũng như tránh được hiện tượng nảy sinh các phản ứng hóa học độc hại không tốt cho cơ thể.
Tóm lại, việc kiểm soát tăng huyết áp bằng các loại thảo dược đã được chứng minh là mang lại hiệu quả rất tốt nhưng tuỳ vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân mà cần dùng đúng thuốc và đúng liều lượng, tránh những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
BS. Hoàng Ly (Thọ Xuân Đường)
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới