Bệnh mạch vành xảy ra khi các mạch máu nhỏ cung cấp máu và oxy cho tim thu hẹp và xơ cứng lại dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim. Bệnh mạch vành được coi là loại bệnh tim mạch phổ biến nhất. Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta có thể tìm hiểu về bệnh mạch vành là gì, các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh cũng như các phương pháp điều trị bệnh mạch vành hiện nay là gì qua những thông tin dưới đây.
1. Bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành còn được gọi là bệnh tim mạch vành hoặc bệnh động mạch vành, hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn.
Bệnh mạch vành là một tình trạng gây ra bởi sự tích tụ của mảng xơ vữa trong các động mạch vành cấp máu nuôi tim, khiến cho lòng các động mạch này bị hẹp, dẫn đến thiếu máu cơ tim.
Bệnh mạch vành hiếm gặp trước năm 1900, nhưng ngày càng gia tăng cùng với cuộc sống hiện đại, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển. Ngược lại, những nơi có lối sống lành mạnh, gần gũi với tự nhiên lại có tỷ lệ người mắc bệnh mạch vành ít hơn.
Trong vài thập kỷ qua, bệnh mạch vành được điều trị bằng các phương pháp như dùng thuốc tiêu huyết khối, đặt stent (là một khung đỡ được làm bằng kim loại đặt trong lòng động mạch) động mạch, dùng thuốc chống đông để giúp bệnh nhân thoát khỏi tử vong do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, đây những phương pháp điều trị này chỉ là cấp cứu và giải quyết các triệu chứng hơn là giải quyết các nguyên nhân cơ bản của bệnh tim mạch. Những thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống mới là những phương pháp thực sự điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh mạch vành.
Trong giai đoạn đầu của bệnh tim mạch vành, được gọi là đau thắt ngực, lưu lượng máu đến tim bị hạn chế. Khi máu ngừng lưu thông, sẽ có nhồi máu cơ tim. Sự kết hợp của hai tình trạng này được gọi là “bệnh tim mạch vành”.
Xơ vữa động mạch là sự tích tụ các chất (thường là các mảng lipid) bên trong động mạch, tình trạng này còn có được gọi là xơ mỡ động mạch hoặc xơ cứng động mạch. Xơ vữa động mạch đề cập đến sự cứng và dày lên của thành động mạch. Theo thời gian, các tế bào động mạch vốn có tính đàn hồi trở nên xơ và cứng hơn, các chất như calci, các hạt cholesterol và axit béo tích tụ trên thành động mạch và tạo thành mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa có khả năng tách ra, gây ra cục máu đông và dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ.
2. Triệu chứng bệnh mạch vành
Hầu hết những người bị bệnh mạch vành đều không có biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng, đặc biệt là những người đang ở giai đoạn đầu.
Các triệu chứng bệnh mạch vành rất khác nhau ở mỗi người. Dấu hiệu phổ biến nhất đáng chú ý của bệnh mạch vành là đau thắt ngực, nguyên nhân là do tim không được cung cấp đủ máu hoặc oxy.
Các triệu chứng của bệnh mạch vành bao gồm:
- Cảm thấy nặng ngực hoặc giống như ai đó đang bóp chặt trái tim. Đây được gọi là đau thắt ngực và có lẽ là triệu chứng bệnh mạch vành phổ biến nhất. Có thể gặp nhiều dạng khó chịu ở ngực bao gồm nặng, tức, áp lực, đau, rát, tê hoặc đầy;
- Đau hoặc tê ở xương ức, cổ, cánh tay, dạ dày hoặc lưng trên;
- Khó thở và mệt mỏi khi hoạt động;
- Suy nhược;
- Khó tiêu hoặc ợ chua.
Nếu bệnh mạch vành tiến triển, bệnh nhân có thể bị đau tim, còn gọi là nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng nhồi máu tim bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở phần trên cơ thể bao gồm ngực, cánh tay, vai trái, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày;
- Khó thở và thở gấp;
- Đổ mồ hôi;
- Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi hoặc ợ chua;
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Chóng mặt, hoa mắt và suy nhược mệt mỏi;
- Lo lắng và hoảng sợ;
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
3. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
Điều gì thực sự gây ra bệnh mạch vành và các cơn đau tim? Bệnh tim mạch vành cuối cùng là kết quả của tình trạng chất béo và các chất khác lắng đọng và tạo thành mảng bám tích tụ trong thành động mạch vành. Bởi vì những động mạch này có vai trò quan trọng trong việc đưa máu và oxy đến tim, lưu lượng máu giảm có thể làm chậm hoặc ngừng nhịp tim của bệnh nhân.
Vì lý do này, việc phòng chống và điều trị bệnh mạch vành cần phải đổi lối sống, dùng thuốc và các phương pháp làm chậm, ngăn chặn hoặc đảo ngược sự tích tụ của mảng bám động mạch. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và cơn đau tim xảy ra.
Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh mạch vành là gì?
- Lượng gốc tự do gây hại cao (còn gọi là stress oxy hóa) và mức độ chống oxy hóa thấp trong cơ thể. Khi mức độ chống oxy hóa thấp hơn mức gốc tự do do chế độ dinh dưỡng kém và các yếu tố lối sống khác, quá trình oxy hóa sẽ tàn phá cơ thể, làm tổn thương tế bào, phá vỡ mô, đột biến DNA và làm quá tải hệ thống miễn dịch.
- Nam giới thường mắc bệnh mạch vành nhiều hơn nữ giới (mặc dù bệnh này ảnh hưởng đến cả hai giới);
- Trên 65 tuổi;
- Uống nhiều rượu;
- Hút thuốc;
- Ăn một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn với chất béo không lành mạnh và thực phẩm chế biến sẵn;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc bệnh động mạch ngoại vi;
- Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ;
- Mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường hoặc rối loạn chuyển hóa lipid (mức cholesterol cao);
- Thiếu hoạt động thể chất hoặc tập thể dục;
- Béo phì;
- Thiếu ngủ;
- Tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường và hóa chất độc hại.
4. Điều trị bệnh mạch vành
Nửa thế kỷ trước, bệnh tim mạch đã khiến cho nhiều bệnh nhân tử vong. Nhưng may mắn thay, các bác sĩ ngày nay đã thành thạo hơn trong việc
khám bệnh mạch vành như thế nào sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau để kiểm soát các triệu chứng bệnh mạch vành. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc tan huyết khối, đặt stent mạch vành, dùng thuốc chống đông đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp. Ngoài ra, điều trị bệnh mạch vành cần phải giảm chất béo trung tính và cholesterol để giải quyết căn nguyên gây bệnh, chống tái phát; điều trị các bệnh mãn tính có liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp.
Trong việc điều trị nguyên nhân gây bệnh mạch vành,
y học cổ truyền là thế mạnh với các vị thuốc, phương thuốc tự nhiên có tác dụng giảm lipid máu (sơn tra, cốt khí củ, giảo cổ lam, liên diệp, nấm linh chi…), hoạt huyết (tam thất, nga truật, đào nhân, địa long, hồng hoa, xuyên khung...). Tùy vào thể bệnh, thầy thuốc sẽ đưa ra pháp điều trị và bài thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Bệnh mạch vành có thể được ngăn ngừa và phục hồi tự nhiên bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn uống, bỏ hút thuốc lá, cải thiện giấc ngủ, bổ sung các vi chất và tập luyện thể chất…
Bởi bệnh mạch vành âm thầm xảy ra và gây nguy hiểm đến tính mạng một cách bất ngờ nên chìa khóa để đối phó đó là phòng bệnh và khám sức khỏe định kỳ. Thực hiện lối sống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn để giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch. Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tổng thể các vấn đề của cơ thể, có thể phát hiện bệnh mạch vành sớm để có những phương pháp điều trị kịp thời, giúp ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.
BS. Nguyễn Thùy Ngân