Bướu giáp nhân là một trong những bệnh lý thuộc về tuyến giáp khá phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người chưa biết rõ về bệnh lý này. Vậy bệnh lý này có triệu chứng gì? Nguyên nhân do đâu? Cách điều trị ra sao? Bài viết sau đây của bác sĩ sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.
Bướu giáp là gì?
Bướu giáp (đôi khi được bướu cổ) là tình trạng sưng to của tuyến giáp. Tình trạng này gây ra một khối u ở phía trước của vùng cổ. Khối u này sẽ di chuyển lên và xuống theo động tác nuốt của người bệnh. Đây là một trong những rối loạn phổ biến nhất của tuyến giáp.
Bệnh lý bướu giáp liên quan chặt chẽ đến tình trạng phì đại của tuyến giáp một cách bất thường. Phần lớn các trường hợp bướu giáp thường không gây đau. Tuy nhiên, những bướu lớn có thể làm cho người bệnh khó nuốt, khó thở và ho. Bướu quá lớn còn gây mất thẩm mỹ.
Bướu giáp nhân là gì?
Đây là tình trạng nhu mô tuyến giáp có sự phát triển bất thường. Sự phát triển bất thường này sẽ hình thành dạng khối của các tế bào tuyến giáp. Nếu tuyến giáp chỉ có một nhân đơn độc thì được gọi là bướu giáp đơn nhân hay nhân giáp đơn độc. Nếu tuyến giáp có từ 2 nhân trở lên gọi là bướu giáp đa nhân hay đa nhân tuyến giáp.
Những triệu chứng của bướu giáp nhân
Bệnh lý này phần lớn không có triệu chứng rõ ràng, bệnh thường được phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh định kỳ. Một vài trường hợp bướu giáp có triệu chứng sưng to cổ bất thường, cổ họng có cảm giác nuốt vướng, khó thở… Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị sụt cân, nóng nảy, mất ngủ, đi phân lỏng kéo dài,…
Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện do tăng nồng độ hormone giáp trong máu, bao gồm:
-
Run tay;
-
Đổ mồ hôi nhiều;
-
Căng thẳng tâm lý thường xuyên;
-
Sợ nóng, thích lạnh;
-
Nhịp tim không ổn định. Thông thường là tim đập nhanh, có thể trên 100 lần/phút.
Các phương tiện chẩn đoán bướu giáp nhân
Nhờ sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, việc chẩn đoán bệnh bướu nhân tuyến giáp ngày càng trở nên dễ dàng hơn với mức độ chính xác khá cao. Theo đó, mục tiêu chính của bác sĩ là chẩn đoán loại suy nguy cơ bệnh nhân bị
ung thư tuyến giáp. Chính vì vậy, trong việc chẩn đoán, một số hoạt động và xét nghiệm có thể được tiến hành bao gồm:
Khám lâm sàng
Mục đích của thăm khám lâm sàng là để quan sát và đánh giá sự chuyển động của tuyến giáp một cách chính xác. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu nuốt trong quá trình thăm khám tuyến giáp. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để phát hiện các triệu chứng cường giáp. Hoặc dấu hiệu của tình trạng cường giáp. Chẳng hạn như:
-
Sụt cân;
-
Run tay;
-
Đổ mồ hôi nhiều;
-
Sợ nóng, thích lạnh;
-
Da nóng ẩm;
-
Nhịp tim nhanh.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu
Cận lâm sàng thường được chỉ định là xét nghiệm máu để đánh giá chức năng của tuyến giáp. Một số xét nghiệm có vai trò đo hàm lượng hormone TSH trong máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có bị cường giáp hay không. Bên cạnh đó, xét nghiệm đo nồng độ hormone tuyến giáp như: FT3, FT4, T3, T4 cũng sẽ được chỉ định.
Siêu âm tuyến giáp
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dựa trên tần số của sóng âm để khảo sát hình ảnh thực của tuyến giáp. Sau khi thực hiện thao tác siêu âm tuyến giáp, bác sĩ sẽ nhận được đặc điểm của tuyến giáp rõ ràng hơn. Bao gồm hình dạng và cấu trúc của tuyến giáp và của cả nhân tuyến giáp.
Chọc hút tế bào tuyến giáp
Trong phương pháp này, các bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ đưa vào khối u để chọc hút dịch hoặc tế bào của tuyến giáp. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm. Mục đích là để chẩn đoán xác định xem bản chất của bướu là lành tính hay ác tính.
Xạ hình tuyến giáp
Mục đích của xét nghiệm này là để đánh giá tình trạng của các nhân giáp bên trong. Trong xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ tiếp nhận một lượng chất iốt đồng vị phóng xạ nhất định.
Phân loại bướu giáp nhân
Bướu nhân tuyến giáp được chia thành hai loại chính. Đó là bướu giáp đơn nhân và bướu giáp đa nhân.
Bướu giáp đơn nhân
Bướu giáp đơn nhân là tình trạng xuất hiện một khối u (nhân giáp) tại tuyến giáp. Loại bướu này có thể là lành tính. Hoặc cũng có thể tiến triển thành ung thư tuyến giáp.
Bướu giáp đa nhân
Bướu giáp đa nhân là tình trạng xuất hiện một số nhân (thông thường là từ 3 đến 4 nhân) trong lòng tuyến giáp của bệnh nhân. Loại bướu này của tuyến giáp phần lớn là loại lành tính, rất hiếm khi phát triển thành là ung thư tuyến giáp. Hầu hết mọi người nghĩ rằng đã có bướu cổ là phải mổ.
Tuy nhiên, mổ không phải là phương pháp điều trị tốt nhất đối với mọi trường hợp bướu nhân tuyến giáp. Trong một vài trường hợp, việc mổ có thể gây ra các biến chứng như hạ canxi, suy giáp, mất giọng,… Nếu kết quả sinh thiết là ung thư giáp, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp bắt buộc.
Bướu giáp nhân có nguy hiểm không?
Trong trường hợp bướu nhân tuyến giáp là lành tính thì thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể gây trở ngại cho người bệnh. Chẳng hạn như khó nuốt, khó thở, mất thẩm mỹ. Ngoài ra, những triệu chứng của tình trạng cường giáp làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, suy giảm chất lượng cuộc sống.
Trong trường hợp đây là loại ác tính thì tình trạng ung thư tuyến giáp này sẽ rất nguy hiểm. Ung thư có thể tiến triển ngày càng nặng dần và di căn đến các cơ quan khác nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ra bướu giáp nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây nên bệnh lý này vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây được xác định là làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
-
Yếu tố di truyền: Có tiền sử mắc các bệnh lý tuyến giáp. Hoặc các thành viên trong gia đình từng mắc bệnh tuyến giáp;
-
Giới tính, độ tuổi: Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 5 lần so với nam giới. Đồng thời, nguy cơ mắc bệnh bướu nhân tuyến giáp tăng dần theo độ tuổi;
-
Chế độ dinh dưỡng: Do tình trạng thiếu hụt iốt trong khẩu phần ăn hàng ngày;
-
Do môi trường: Những người từng tiếp xúc với bức xạ do phơi nhiễm hoặc do điều trị chiếu xạ ở vùng cổ. Họ sẽ có nguy cơ tiến triển thành bướu nhân tuyến giáp cao hơn bình thường. Đối tượng nhạy cảm nhất với các tia phóng xạ chính là trẻ em dưới 4 tuổi.
Điều trị bướu giáp nhân như thế nào?
Mỗi bệnh nhân, mỗi loại nhân giáp sẽ có phương pháp điều trị riêng để phù hợp với thể trạng bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm:
Điều trị nội khoa bằng Thyroxine
Điều trị bằng Thyroxine còn gây nhiều tranh cãi, và không được chỉ định thường quy vì tỷ lệ có đáp ứng khá thấp. Phương pháp này có thể được chỉ định cho những bệnh nhân sống ở vùng thiếu iốt, bệnh nhân trẻ có nhân tuyến giáp nhỏ. Hoặc những bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp keo với điều kiện đã loại trừ tình trạng ác tính. Thời gian điều trị trung bình từ 6 đến 12 tháng.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật trong những trường hợp sau đây:
-
Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp trên lâm sàng. Hoặc nghi ngờ ung thư dựa trên kết quả tế bào học;
-
Bướu nhân tuyến giáp gây ra các triệu chứng chèn ép;
-
Bướu giáp ảnh hưởng đến thẩm mỹ;
-
Hoặc các trường hợp bướu nhân nóng kèm theo các triệu chứng cường giáp;
-
Phẫu thuật được chỉ định áp dụng cho bệnh nhân có bướu nhân chèn ép lên khí quản và thanh quản.
Điều trị bằng phương pháp iốt phóng xạ
Phương pháp điều trị này được chỉ định cho những người có bướu nhân hoạt động, có hoặc không kèm theo cường giáp. Chống chỉ định ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Điều trị bướu giáp nhân bằng quang đông bằng laser
Hiện nay, phương pháp này mới chỉ được thực hiện tại một số trung tâm. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu đối chứng.
Phương pháp tiêm cồn qua da
Cơ chế tác dụng của phương pháp này có thể là hoại tử coagulative và gây tắc các mạch máu nhỏ. Nhìn chung, phương pháp này có hiệu quả hơn so với điều trị ức chế bằng Thyroxine. Với điều kiện là kết quả tế bào phải lành tính, không là nhân tự chủ. Đồng thời, phương pháp này cần được bác sĩ có kinh nghiệm và kỹ năng tốt thực hiện.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh bướu giáp nhân. Từ đó, nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào tại vùng cổ, bạn hãy đi khám bệnh tuyến giáp ngay. Mục đích là để bác sĩ phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. Hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)