Tết Nguyên Đán đang đến gần, đối với người dân Việt có ý nghĩa rất thiêng liêng từ lâu đời. Ngoài những niềm vui quây quần bên mâm cơm gia đình, bạn bè; thì những mối quan tâm về sức khỏe cũng rất cần được chú ý. Vì thường những ngày Tết “lịch trình” đa phần là ăn nhậu, nghỉ ngơi, thay đổi về thời gian biểu cũng như thực đơn khá nhiều so với ngày thường. Và một tình trạng rất hay gặp phải đó là đầy chướng bụng, khó tiêu…sẽ làm ảnh hưởng đến chuỗi ngày vui Tết.
Nguyên nhân của tình trạng đầy bụng rất hay gặp phải dịp Tết
Tết Nguyên Đán đang đến gần, đối với người dân Việt có ý nghĩa rất thiêng liêng từ lâu đời. Ngoài những niềm vui quây quần bên mâm cơm gia đình, bạn bè; thì những mối quan tâm về sức khỏe cũng rất cần được chú ý. Vì thường những ngày Tết “lịch trình” đa phần là ăn nhậu, nghỉ ngơi, thay đổi về thời gian biểu cũng như thực đơn khá nhiều so với ngày thường. Và một tình trạng rất hay gặp phải đó là đầy chướng bụng, khó tiêu… sẽ làm ảnh hưởng đến chuỗi ngày vui Tết.
Đối với những người đã có tiền sử các bệnh lý về tiêu hóa từ trước thì quá quen với triệu chứng khó chịu này, thế nhưng rất nhiều người khỏe mạnh trước đó cũng có lúc thấy xuất hiện bất thường trên trong những lúc có thay đổi về chế độ ăn uống ví dụ như Tết Nguyên Đán. Các triệu chứng gây khó chịu, cản trở tiêu hóa, làm việc ăn tiệc cũng trở thành nỗi ám ảnh cho người mắc phải. Vậy nguyên nhân do đâu?
Ăn quá nhiều
Đây chắc chắn là tình trạng hay gặp phải nhất vào dịp Tết. Do thời gian các bữa ăn không chỉ cố định sáng, trưa, tối như thường ngày mà thường cứ có khách, hoặc đi chúc tuổi gia đình nào là lại bày biện mâm cỗ. Sau một vài ngày liên tục ăn uống không có giờ giấc, và lượng đồ ăn thức uống được nạp vào quá nhiều so với mức ăn bình thường thì dễ xuất hiện các triệu chứng khó chịu cho hệ tiêu hóa. Lí do là đang gây quá tải cho mức công năng có thể vận hóa của tỳ vị, thức ăn cũ chưa được tiêu hóa hết, thức ăn mới lại đưa vào tăng thêm gánh nặng.
Ăn đồ nhiều gia vị (ngọt, chua, cay)
Những đồ ăn thanh đạm như luộc, hấp thường ít được ưa chuộng trong những ngày Tết. Thường khi ăn uống đông vui mọi người hay lựa chọn ăn lẩu, nướng, đồ chiên xào,… thực phẩm thì thích được ướp nhiều gia vị phải thật chua, cay, mặn, ngọt mới kích thích vị giác. Khi quá lạm dụng gia vị các tạng phủ (can, tỳ, vị, tâm, thận) sẽ phải gồng lên hoạt động để có thể chuyển hóa được lượng gia vị dư thừa. Và khi quá sức, các tạng phủ sẽ “đình công” đặc biệt là can – tỳ gây ra các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy tức bụng…
Các món ăn nhiều thịt, dầu mỡ
Như đã đề cập ở nhiều bài viết trước về vấn đề cấu trúc hệ tiêu hóa của người phù hợp với các loại thực phẩm từ thực vật hơn (hệ răng hàm phát triển, ống tiêu hóa dài). Việc ăn quá nhiều thịt, chế biến nhiều dầu mỡ trong khẩu phần ăn sẽ làm cho thức ăn ở lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn. Vì phải mất nhiều thời gian để phân cắt các acid amin nên thịt, dầu mỡ sẽ ở lại trong dạ dày nhiều giờ. Từ đó lên men, thối rữa và sinh ra nhiều khí không tốt cho cơ thể. Đây là lí do khi không kịp tiêu hóa hết lượng thịt cũ người ta hay bị ợ, hoặc đánh hơi rất nhiều. Và cảm giác bụng, tay chân nặng nề hơn khi ăn thực vật do tỳ phải làm việc quá sức, mà tỳ chủ cơ nhục, tỳ hư dẫn đến các cơ mềm yếu vô lực.
Thức uống có gas, cồn
Bia rượu, nước ngọt có gas cũng là sản phẩm tiêu thụ với sản lượng khá cao trong các dịp lễ Tết. Chúng giúp tăng cảm giác thèm ăn, kích thích tạo không khí hưng phấn cao trào cho các buổi tiệc. Thế nhưng những loại thức uống này lại có tính acid cao, khi vào dạ dày sẽ làm mất cân bằng nội môi dạ dày, giảm chỉ số pH xuống thấp, từ đó dễ làm bào mòn, tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày, ruột; và cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó tiêu.
Các tình trạng bệnh lý tiêu hóa từ trước
Tỷ lệ người tiền sử có những triệu chứng khó chịu về dạ dày, đại tràng ở Việt Nam rất cao. Đa phần do lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học, và các thức ăn nhanh đang ngày càng được tiêu thụ nhiều. Các tình trạng bệnh lý ấy như: trào ngược dạ dày thực quản, viêm trợt niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày HP (+)/(-), hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng… Tất cả đều làm cản trở sự tiêu hóa và làm người bệnh giảm hứng thú với ăn uống đặc biệt trong dịp Tết này.
Tinh hoa y học dân tộc tự giúp mình trong ngày Tết
Thực tế mà nói, nếu ngũ tạng hoàn toàn khỏe mạnh, can sơ tiết, điều hòa tốt, tỳ vị vận hóa thủy cốc trơn tru thì một vài thay đổi về ăn uống cũng khó mà biểu hiện các bất thường ngay được. Vì khi đó các tạng phủ sẽ có sự hoạt động thích nghi được với những thay đổi ấy một cách mạch lạc. Chính vì thế, khi ăn Tết vài ngày mà đã thấy các triệu chứng sau: đầy chướng bụng, không muốn ăn, hoặc nghĩ đến đồ ăn là sợ (nhất là đồ dầu mỡ); đau tức thượng vị từng cơn hay âm ỉ kéo dài; ợ hơi, ợ chua; có thể buồn nôn/ nôn; đoản khí, đoản hơi, ngại nói nhiều; uể oải muốn nằm, mắt trĩu buồn ngủ nhiều hơn; đại tiện phân không thành khuôn thì đây là các báo hiệu tỳ vị đang bị hư yếu.
Giảm lượng thức ăn là điều cần thiết
Cũng như khi cơ thể làm việc mỏi mệt cần nghỉ ngơi, thì hệ tiêu hóa của chúng ta cũng vậy. Sau khi đã phải hoạt động quá với sức có thể chúng ta cần phải giãn hoặc nhịn ăn gián đoạn để dạ dày – ruột đẩy được hết lượng thức ăn cũ đi. Việc này không những giúp ích cho tiêu hóa, mà còn giảm thiểu được những viêm nhiễm đường tiêu hóa do vi khuẩn sinh ra từ thức ăn cũ ở lại quá lâu trong đường ruột.
Về thể thức có thể nhịn bữa ngắt quãng, ví dụ ăn hai bữa chính sáng và trưa, tối có thể nhịn hoàn toàn hoặc uống một cốc nước ép rau củ quả. Một cách khác đó là ăn tinh bột ở dạng hồ dinh dưỡng, cách này vừa làm giảm công suất hoạt động cho dạ dày, vừa giúp bảo vệ niêm mạc mà lại dễ hấp thu, không sợ quá thiếu chất. Hồ dinh dưỡng dễ làm nhất chính là cháo trắng ăn kèm với hành, gừng cũng giúp hành khí, ôn ấm trung tiêu kích thích tiêu hóa.
Một khi đã xuất hiện các triệu chứng khó tiêu thì nên hạn chế tối đa các loại đồ ăn thức uống nguy cơ đã nêu trên. Nên ăn canh hầm, súp, đồ hấp, luộc… Chế biến có thể tùy món mà gia các vị thuốc phù hợp, vừa tăng hương vị món ăn, vừa tốt cho tỳ vị như gừng, hành, tỏi, quế, hồi, vỏ quýt,
nhục đậu khấu…
Day ấn huyệt dễ áp dụng
Ngoài những sự điều chỉnh cần thiết trong chế độ và thời gian ăn uống như trên, cũng có thể áp dụng tác động vào một số huyệt giúp tăng cường chức năng của tỳ vị, giảm các triệu chứng khó chịu nhanh và an toàn. Khi biết vận dụng đúng lúc thì các huyệt đạo chính là các vị thuốc cứu nguy ngay tức khắc cho mọi người.
Huyệt Trung Quản
Là huyệt hội của phủ trong bát hội huyệt, huyệt Mộ của kinh Túc dương minh Vị. Khi gặp các tình trạng khó chịu ở thượng vị có thể sử dụng huyệt này rất nhạy. Đối với tình trạng đầy chướng bụng, đau tức do thực tích, do tỳ vị hư kém vận hóa mọi người tự day tả huyệt Trung Quản khoảng năm phút sẽ thấy có thay đổi ngay. Bụng sẽ bớt chướng, không còn trội đau từng cơn nữa.
Cách tìm huyệt như sau:
-
Nối đường thẳng từ điểm mũi ức với rốn, trung điểm của đoạn trên chính là huyệt.
Khi làm thủ pháp thì day TẢ ngược chiều kim đồng hồ, lực vừa phải từ nhẹ đến mạnh theo khả năng chịu của mình, tay khi ấn sâu hay nhấc lên đều làm từ từ. Thời gian tác động từ 3-5 phút 1 lần, có thể làm nhiều lần trong ngày.
Huyệt Túc tam lý
Túc tam lý là huyệt chủ chữa các bệnh thuộc vùng bụng trên và bụng giữa trong lục tổng huyệt; còn là huyệt Hợp thuộc hành Thổ của kinh Túc thái âm Tỳ. Các triệu chứng do tỳ hư đều có thể cải thiện nhờ kết hợp dùng huyệt. Trong lịch sử Trung Hoa và Nhật Bản còn tin rằng, bổ Túc tam lý thường xuyên còn giúp trường sinh vì khí hậu thiên được nuôi dưỡng qua việc bổ huyệt này.
Cách xác định huyệt:
-
Từ chỗ lõm ở mặt dưới ngoài xương bánh chè (vị trí huyệt độc tỵ) đo thẳng xuống 3 thốn (chiều dài ngang nối 4 ngón tay (trừ ngón cái) khép sát nhau tương đương với 3 thốn đồng thân của chính mình).
Tự day BỔ cùng chiều kim đồng hồ 3-5 phút, hoặc cứu ngải 15 phút.
Huyệt Thái Bạch
Vừa là huyệt Nguyên và huyệt Du thuộc Thổ của kinh Túc Thái âm Tỳ. Là nơi khí huyết kinh Tỳ dồn lại nhiều, chính vì thế khi huyệt này được tác động làm tăng cường Thổ khí cho kinh Tỳ, giúp tỳ vị dồi dào khí huyết và giảm các tình trạng khó chịu do hư yếu mà ra.
Cách xác định huyệt:
-
Nằm ở điểm giao phía trong của thân và đầu xa xương bàn ngón chân số 1, trên đường ranh giới phần mu và phần trắng của gan bàn chân.
Huyệt này cũng cần BỔ (day cùng chiều kim đồng hồ 3-5 phút, hoặc cứu ngải 15 phút).
Một số những lưu ý khác khi bị đầy chướng bụng, khó tiêu trong dịp Tết như:
-
Những lúc này thường sẽ uể oải, ngại vận động; nhưng không vì thế mà lại nằm một chỗ quá lâu sẽ làm khí trong cơ thể càng trì trệ và khó tiêu hóa hơn. Chúng ta nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,… để khí huyết được lưu thông đặc biệt vùng trung tiêu có tỳ vị.
-
Xoa bụng giúp tăng nhu động ruột: hai bàn tay đặt lên bụng và xoa, ấn nhẹ nhàng theo đường giải phẫu của đại tràng. Xoa vòng tròn bắt đầu từ vùng bụng dưới bên phải, xoa thẳng lên, rồi ngang sang bên trái, đi xuống kết thúc ở dưới rốn. Có thể lặp lại trong 1-2 phút và nhiều lần trong ngày.
-
Những người có tình trạng bệnh lý dạ dày, đại tràng từ trước nên đi thăm khám lại trước dịp nghỉ Tết và nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các loại thuốc cần duy trì, hoặc những loại thuốc nào có thể tự mua khi gặp phải tình trạng khó chịu do ăn uống thay đổi. Thường khi ăn Tết mọi người có tâm lý ngại uống thuốc, nhưng đối với những bệnh lý mạn tính việc tuân thủ điều trị theo phác đồ rất quan trọng nên cần chú ý.
-
Men vi sinh, men tiêu hóa cũng có thể giúp ích trong trường hợp này. Nhưng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để dùng đúng chỉ định và tránh những chống chỉ định nếu có.
Nhà thuốc
Đông Y Gia truyền Thọ Xuân Đường xin gửi tới tất cả quý khách, quý bệnh nhân và toàn thể gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe để trải nghiệm cuộc sống muôn màu tươi đẹp, hạnh phúc.
BS. Tú Uyên (Thọ Xuân Đường)