Trà thảo mộc là một thức uống quen thuộc với người dân Việt Nam, với hương vị hấp dẫn và đa dạng sự lựa chọn. Đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng và oi bức của mùa hè thì trà thảo mộc còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Các loại trà thảo mộc giúp giải nhiệt trong mùa hè
Trà xanh
Trà xanh là một loại trà giải nhiệt trong mùa hè được nhiều người ưa chuộng. Bởi vì, uống trà xanh không chỉ giúp giải nhiệt mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong trà xanh chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm mệt mỏi, làm đẹp da, đào thải độc tố, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư và làm giảm cơ hội cho các khối u phát triển, giúp phòng ngừa một số bệnh như
tăng huyết áp, mỡ máu, xơ vữa động mạch…
Cách dùng: Lá trà xanh có thể được đun hoặc hãm để lấy các tinh chất, tuy nhiên không nên đun quá lâu vì sẽ làm mất đi hoạt tính của một số chất có trong lá trà xanh.
Chú ý: Không nên uống trà xanh khi đói bụng, không uống trà xanh vào buổi tối để tránh gây khó ngủ.
Từ rất lâu thì trà hoa cúc đã được biết đến là một loại trà thảo mộc có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trà hoa cúc có thành phần chính là hoa cúc khô, khi pha thì trà có màu vàng hạt và hương hoa tinh tế. Trà hoa cúc có vị đắng, tính mát, có công dụng thanh lọc cơ thể và giải nhiệt, giúp ngủ ngon, giúp cho tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, làm giảm huyết áp, giảm đường huyết, sáng mắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, phòng ngừa ung thư, chống lão hoá, tăng cường miễn dịch…
Cách dùng: Dùng 5-10g hoa cúc khô hãm với 250 ml nước nóng khoảng 80-90 độ C trong 3-5 phút là dùng được. Có thể pha trà hoa cúc với kỷ tử, bạc hà, cam thảo, atiso,
mật ong… để tăng cường tác dụng của trà.
Trà bạc hà
Trà bạc hà là loại thức uống phổ biến nhờ hương vị thơm ngon và the mát, đem lại sự sảng khoái đặc trưng. Trong trà bạc hà chứa nhiều tinh chất cineol, limonene và dihydrocarvone… giúp giảm cảm giác buồn nôn, chống ói, có đặc tính nhẹ nhàng tự nhiên để giảm stress, giúp thư giãn và đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Ngoài ra, trà bạc hà còn có tác dụng tăng cường trao đổi chất, làm đẹp da, giảm mụn, hỗ trợ giảm cân, chữa bỏng, phát ban và nhiều bệnh khác.
Cách dùng: Lấy khoảng 10-15 lá bạc hà tươi hoặc 3-5g lá bạc hà khô cho vào ấm trà, sau đó hãm với 200-300ml nước sôi trong 5-7 phút là dùng được, có thể thêm mật ong để tạo vị ngọt.
Trà Atiso
Trà atiso là một loại thức uống giúp giải nhiệt và thanh lọc cơ thể hiệu quả, với hương vị dễ uống, thơm ngon nên được khá nhiều người yêu thích. Trà atiso được làm từ lá hoặc nụ của cây atiso, hoa atiso có hình dáng giống như hoa sen nhưng có màu xanh đậm và hơi đỏ ở phần chóp của bông hoa. Trà atiso có chứa nhiều khoáng chất và các loại vitamin, đặc biệt là hàm lượng chất chống oxy hóa trong trà atiso rất tốt cho cơ thể: giúp giải độc gan và thúc đẩy quá trình đào thải độc tố, giảm nguy cơ và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, làm đẹp da và ngăn ngừa lão hoá, ổn định huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị tiểu đường, kích thích hệ tiêu hoá, giảm cân…
Cách dùng:
-
Atiso tươi: Mỗi ngày chỉ nên dùng 10 - 20gram sắc với 1 lít nước.
-
Atiso khô: Mỗi ngày uống không quá 5 - 10gram pha với 1 lít nước.
-
Atiso dạng túi lọc: Mỗi ngày tối đa 3 - 4 túi, mỗi túi pha với 1 cốc nước sôi.
Trà lá vối
Lá vối thường được sử dụng làm trà giải khát và có tác dụng giải nhiệt rất hiệu quả trong mùa hè nóng nực. Trà lá vối có màu vàng nhạt, hương thơm dịu, có vị ngọt và hơi chát nhẹ. Bên cạnh tác dụng giải nhiệt thì trà lá vối còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng và kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hoá để tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa đầy bụng và khó tiêu. Ngoài ra, uống trà lá vối còn có nhiều tác dụng khác như giảm căng thẳng và mệt mỏi, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tiểu đường, goute, viêm đại tràng, giảm mỡ máu, giảm cân…
Cách dùng:
-
Trà lá vối tươi: Dùng 5-7 lá vối tươi đem rửa sạch rồi hơ qua lửa nóng để lá vối héo lại thì khi pha nước uống không bị ngái, sau đó cho vào hãm với nước sôi để uống.
-
Trà lá vối khô: Lá vối được phơi khô để giúp bảo quản dễ dàng hơn so với lá vối tươi. Cách sử dụng cũng tương tự giống như lá tươi, cũng cho nước sôi vào để hãm uống.
Lưu ý: Không uống trà lá vối khi đói và ngay sau khi ăn, không dùng trà lá vối để thay thế nước uống hàng ngày.
Trà râu ngô
Theo
y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh thận và bàng quang, có công dụng lợi tiểu, lợi mật, mát gan, thanh nhiệt giải độc... vì vậy dùng râu ngô để nấu trà uống trong mùa hè rất tốt. Uống trà râu ngô mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa tiểu tiện ít, nước tiểu đỏ, sỏi mật, vàng da, sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, chữa nhiệt miệng, trẻ em rôm sảy, mẩn ngứa…
Cách dùng: Mỗi ngày chỉ nên sử dụng 30 - 60g dạng khô, 100 - 200g dạng tươi. Có thể cho nước sôi vào hãm hoặc sắc nước uống.
Trà lá sen
Trà lá sen được làm từ lá sen bánh tẻ (không non hoặc quá già), sau đó đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Khi uống, trà lá sen sẽ để lại vị chát nhẹ trên đầu lưỡi và vị ngọt thanh hậu trong miệng sau khi uống. Trà lá sen có công dụng giải nhiệt, hỗ trợ trong điều trị rối loạn lipid máu, làm giảm tổn thương gan, điều hoà huyết áp, ổn định đường huyết, ức chế quá trình hấp thu vào cơ thể và tăng tốc độ chuyển hóa năng lượng giúp kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, trong trà lá sen có
Cách dùng:
-
Bước 1: Cho lá sen khô vào ấm trà đã chuẩn bị sẵn.
-
Bước 2: Đun sôi nước, lắc đều ấm để tráng trà rồi đổ bỏ phần nước này đi.
-
Bước 3: Tiếp tục cho nước sôi lần thứ hai vào ấm.
-
Bước 4: Đợi cho trà ngấm, để trà nguội bớt và thưởng thức.
Trà rau má
Rau má được biết đến là một loại rau quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Ngoài công dụng là một thoại thực phẩm, rau má còn có thể chế biến thành dạng trà để tiện sử dụng. Trà rau má có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt và giải độc vô cùng tuyệt vời. Ngoài ra, trà rau má chứa triterpenoids một chất an thần, giúp giảm lo lắng, căng thẳng, cải thiện giấc ngủ; trà rau má cung cấp lượng dưỡng chất dồi dào giúp cải thiện sự hoạt động của các nơron thần kinh, giúp cải thiện tuần hoàn máu não và tăng cường trí nhớ; làm đẹp da, ngăn ngừa lão hoá và thúc đẩy làm lành vết thương nhanh chóng…
Cách dùng: Lấy khoảng một nắm tay lá rau má tươi hoặc khô rửa sạch rồi cho vào trong ấm trà, đổ nước sôi vào và đậy kín, ủ trà khoảng 15 phút là dùng được, có thể thêm đường hoặc mật ong để tạo vị ngọt.
Trà la hán quả
Trà la hán quả có hương thơm nhẹ và vị ngọt thanh dễ uống. Đây là một loại nước giải nhiệt, thanh lọc cho cơ thể rất tốt trong mùa hè. Ngoài ra, loại trà này còn có tác dụng điều trị bệnh rất tốt. Theo
đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông huyết, nhuận tràng, long đờm, giảm ho, trị táo bón, nóng trong người, đại tiện ra máu, ho gà, ho có đờm, viêm phế quản, viêm họng, dị ứng, lao phổi…
Cách dùng: Dùng 1 quả la hán rửa sạch cho hết lông bên ngoài, rồi bổ quả la hán làm đôi hoặc làm bốn hoặc bóp nát. Sau đó cho vào bình và thêm 1-1,5 lít nước sôi. Hãm trà trong khoảng 10-15 phút thì đem uống.
Trà bí đao
Một loại trà giải nhiệt, mát gan không thể không nhắc tới chính là trà bí đao. Từ lâu, trà bí đao đã được biết đến với công dụng hỗ trợ cơ thể giải nhiệt, bài trừ độc tố có hại, tăng cường chức năng gan, đồng thời giúp làm đẹp da và giảm cân.
Chuẩn bị: 1kg bí đao (bí còn xanh), đường phèn, lá dứa.
Cách thực hiện:
-
Bước 1: Rửa sạch bí đao, gọt vỏ,bỏ hạt, sau đó cắt thành từng khoanh nhỏ.
-
Bước 2: Nấu bí đao cùng với 3 lít nước lọc, nấu cho tới khi nhừ thì cho thêm lá dứa và đường phèn, ninh nhỏ lửa đến khi bí mềm hẳn thì tắt bếp.
-
Bước 3: Dùng dụng cụ ép bí lấy hết nước ra, rây qua để bỏ phần bị cặn.
-
Bảo quản nước trà bí đao thu được ở ngăn mát, uống trong ngày.
Một số lưu ý khi dùng trà thảo mộc để giải nhiệt trong mùa hè
Khi sử dụng các loại trà thảo mộc để giải nhiệt trong mùa hè thì cần lưu ý một số điều sau:
-
Sử dụng trà giải nhiệt với liều lượng vừa phải: Mặc dù việc sử các loại trà thảo mộc mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều. Chỉ nên uống trà với liều lượng vừa phải và không uống trà thay nước lọc. Đặc biệt cần lưu ý khi sử dụng trà giải nhiệt cho người già và trẻ em, những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng.
-
Không uống trà quá đậm: Trong một số lại trà thảo mộc có chứa Catechin, Theanine và Caffein là những thành phần có khả năng gây say, đặc biệt là với những người mới uống trà và uống với liều lượng cao, trà quá đậm.
-
Không uống trà khi đói: Uống trà khi đói có thể kích thích niêm mạc đường tiêu hoá gây cồn cào, khó chịu.
-
Không uống trà ngay sau khi ăn: Việc uống trà ngay sau bữa ăn sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn hoặc gây đau bụng, khó tiêu,…
-
Không uống trà pha đi pha lại nhiều lần: Trà khi được pha đi pha lại nhiều lần không chỉ làm mất đi hương thơm và vị trà đậm đà mà còn rất dễ gây ra một số triệu chứng có hại như đau bụng, nôn ói,…
-
Không uống lại trà để qua đêm: Trà thảo mộc khi để qua đêm sẽ mất đi phần lớn chất dinh dưỡng cũng như làm mất hương vị thơm ngon của trà. Ngoài ra, để trà qua đêm chính là môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, trà thảo mộc sau khi hãm chỉ nên sử dụng trong ngày, không nên sử dụng trà để qua đêm.
-
Không uống trà với thuốc: Các thành phần có trong trà và thành phần của thuốc rất dễ sẽ tạo ra những phản ứng gây mất đi tác dụng của thuốc.
BS. Hoàng Ly (Thọ Xuân Đường)