Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu trên thế giới. Đây là căn bệnh dễ bị nhiễm khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Dưới đây là những thông tin về bệnh lao phổi và khám bệnh lao phổi.
Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu trên thế giới, với khoảng 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm, do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) tấn công phổi của bạn. Ngoài phổi, vi khuẩn này cũng có thể xâm nhập và phát triển làm tổn thương ở nhiều cơ quan khác như bạch huyết, màng não, xương khớp, cột sống… gây ra các bệnh tương ứng như lao bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao cột sống….
2. Đặc điểm của vi khuẩn lao
M. tuberculosis còn được gọi là trực khuẩn lao vì có dạng trực khuẩn hình que với đặc điểm ái khí bắt buộc, gây bệnh bên trong tế bào mà vị trí thích hợp nhất của chúng là ở các tế bào phổi. Trực khuẩn lao dài từ 2-3 μm, rộng từ 0,3-0,5 μm, không có lông, 2 đầu tròn, thân có hạt, khi chúng kháng thuốc thì hình thể thay đổi so với hình thể bình thường là hình que. Trực khuẩn lao bắt mầu tím khi nhuộm Gram, bắt màu đỏ khi nhuộm Ziehl-Neelsen, không bị cồn hoặc axit làm mất màu đỏ của Fucsin, do đó nó còn được gọi bởi một tên khác nữa là vi khuẩn kháng cồn, acid.
Thành của trực khuẩn lao cứng cho phép chúng chịu được những chất sát khuẩn yếu và sống sót ở các bề mặt khô trong nhiều tháng. Trong điều kiện ẩm ướt, trực khuẩn lao có thể tồn tại tới 3-4 tháng. Dưới ánh sáng mặt trời, chúng bị chết trong vòng 1,5 giờ, khi đun sôi trong nước chỉ tồn tại trong 5 phút, tiếp xúc với cồn 90 độ chúng chết trong vòng 2-3 phút, còn khi chiếu tia cực tím chúng chết sau 2 phút.
Trực khuẩn lao sinh sản chậm với thời gian phân chia khoảng 18-20 giờ/lần. Cơ chế lây truyền chủ yếu là đường không khí, do hít phải những hạt đờm có trực khuẩn lao của người bệnh bị lao phổi khi họ ho, khạc, hắc hơi, khi nói, hát hay la hét. Vi khuẩn từ các hạt nhỏ li ti có đường kính khoảng 0,5 đến 5 μm là nguy hiểm nhất, kích thước này đủ nhỏ để có thể đi qua các hệ thống hô hấp trên và lắng đọng sâu trong phổi. Uớc tính một hắc hơi có thể tạo ra 40.000 hạt.
3. Cơ chế gây bệnh lao phổi của trực khuẩn lao
Khi một người không may hít phải các hạt nhỏ chứa vi khuẩn lao, các hạt này sẽ đi qua miệng hoặc mũi, đường hô hấp trên và phế quản để đến các phế nang của phổi. Tại đây, các hạt nhỏ chứa vi khuẩn sẽ bị các đại thực bào phế nang nuốt rồi di chuyển vào hạch bạch huyết đến rốn phổi, trung thất cùng bên. Sau khi vào được đại thực bào phế nang, trực khuẩn lao có khả năng tồn tại lâu và phát triển trong đại thực bào, tạo ra một nhiễm trùng khu trú.
Lúc này, một số người tiến triển thành lao nguyên phát, nghĩa là có dấu hiệu nhiễm trùng sớm sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn lao, nhưng hầu hết ở giai đoạn này là không có triệu chứng hoặc có thể có triệu chứng nhẹ giống như cúm. Sau khoảng 3 tuần kể từ đợt nhiễm đầu tiên, các tế bào miễn dịch trung gian bắt đầu có tác dụng, chúng bao quanh vị trí nhiễm lao tạo ra một khối u hạt để bao phủ vi khuẩn và ngăn chặn không cho chúng phát tán. Mô bên trong lớp giữa của khối u hạt dần chết đi và quá trình này còn gọi là hoại tử bã đậu, có nghĩa là các sản phẩm hoạt tử nhìn giống phomai hoặc bã đậu. Vùng khối u hạt như vậy còn được gọi là huyệt Ghon (nốt loét sơ nhiễm, không có hoại tử).
Vi khuẩn lao cũng xâm nhập vào các rốn hạch bạch huyết xung quanh, hoặc được vận chuyển bởi các tế bào miễn dịch qua hệ bạch huyết, hoặc mở rộng sự nhiễm trùng tại huyệt Ghon, và cũng gây nên sự hoại tử ở những vùng này. Mô hoại tử và các hạch bạch huyết liên quan cùng nhau tạo phức hệ Ghon đặc trưng. Những phức hệ Ghon thường nằm ở mảng dưới phổi và xảy ra ở thùy dưới của phổi. Mô bị kết nang bởi u hạt trải qua quá trình xơ hóa và vôi hóa thường xuyên sẽ tạo nên các mô sẹo có thể nhìn thấy được trên X-Quang.
Trong một số trường hợp, mặc dù vết sẹo vẫn còn nhưng vi khuẩn lao bị tiêu hủy bởi hệ thống miễn dịch, chấm hết cho quá trình lây nhiễm. Một vài trường hợp khác, mặc dù bị bao phủ nhưng chúng vẫn còn sống và tồn tại ở thể không hoạt động. Lúc này được gọi là thời kỳ tiềm tàng, hay những người nhiễm lao tiềm ẩn, chiếm khoảng 90-95% trong số những người bị nhiễm lao.
Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch của người bị nhiễm vi khuẩn lao suy yếu, ví dụ như bị nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc lão hóa… thì huyệt Ghon chứa vi khuẩn sống sẽ tái hoạt động và nhân lên gây ra viêm nhiễm. Sự viêm nhiễm có thể lan rộng lên 1 hoặc 2 thùy trên của phổi do vi khuẩn lao là vi khuẩn hiếu khí sẽ trụ ở những vùng có oxy nhiều hơn.
Khi những người đã từng phơi nhiễm vi khuẩn lao thì các tế bào lympho T của hệ thống miễn dịch nhanh chóng giải phóng các cytokin để kiểm soát một đợt bùng phát mới. Điều này làm hình thành nhiều vùng hoại tử bã đậu hơn và lúc này chúng có xu hướng tạo ra lỗ hổng hoặc hang, cho phép vi khuẩn phát tán vào đường thở và các kênh bạch huyết để tới các phần khác của phổi, gây nên viêm phế quản phổi. Chúng cũng có thể cũng có thể phát tán qua hệ mạch máu và lây nhiễm cho hầu hết các mô trong cơ thể dẫn đến tổn thương lao kê hệ thống.
4. Triệu chứng của bệnh lao phổi là gì?
Ở giai đoạn ủ bệnh hay thời kỳ tiềm tàng, mặc dù vi khuẩn lao đã xâm nhập vào cơ thể nhưng bị hệ thống miễn dịch khỏe mạnh kìm hãm không cho chúng hoạt động. Vì vậy, giai đoạn này không xuất hiện triệu chứng và không có nguy cơ lây nhiễm.
Khi hệ miễn dịch của người mang vi khuẩn lao bị suy giảm, chẳng hạn như không may người đó bị mắc thêm các bệnh như ung thư, HIV, nhiễm trùng kéo dài, tiểu đường… vi khuẩn lao trở nên hoạt động, sinh sôi nảy nở gây tổn thương viêm nhiễm rộng ở phổi và dẫn đến một số những triệu chứng như:
- Ho dai dẳng kéo dài trên 3 tuần
- Ho có đờm hoặc ho ra máu
- Khó thở, đau tức ngực
- Sốt nhẹ, ớn lạnh vào buổi chiều
- Thường xuyên mệt mỏi
- Ra mồ hôi nhiều vào ban đêm
- Chán ăn, sụt cân, suy nhược cơ thể.
Khi lao phổi đang tiến triển, nếu không điều trị kịp thời có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, giãn phế quản, suy hô hấp mãn tính, u nấm phổi…
5. Những đối tượng dễ mắc bệnh lao phổi?
Lao phổi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, vì vậy đối tượng dễ mắc nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt là tiếp xúc trong thời gian dài và trực tiếp như:
- Chung sống và sinh hoạt cùng người thân mắc lao trong một gia đình; nhất là trong điều kiện chật trội, thiếu ánh sáng, mức sống thấp. Trẻ em trong nhà rất dễ lây ông bà bị lao phổi.
- Những người làm việc ở các bệnh viện lao, phổi.
- Người đi từ vùng có dịch lao về.
- Những đối tượng có nguy cơ cao khác như: người bị HIV, mắc bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già ….
Chẩn đoán lao phổi dựa trên các xét nghiệm như:
- Chụp X - quang phổi.
- Nhuộm soi tiêu bản đờm.
- Kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao.
- Xét nghiệm PCR lao.
- Xét nghiệm Quantiferon.
- Cấy lao MGIT.
- Xét nghiệm Xpert - MTB.
Vì vậy, một khi có những dấu hiệu khiến bạn nghi ngờ mình bị mắc lao phổi, hãy lựa chọn các
cơ sở khám chữa bệnh uy tín với đầy đủ trang thiết bị để thực hiện các xét nghiệm trên.
Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến các chỉ tiêu khác của các cơ sở khám chữa bệnh như tính pháp lý (cơ sở được cấp phép khám chữa bệnh), trình độ chuyên môn của bác sỹ, quy trình khám chữa bệnh chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian, thái độ phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, chu đáo và chi phí khám chữa bệnh hợp lý.
DS. Lê Hằng
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 09376382