Vị thuốc câu kỷ tử

Vị thuốc Kỷ tử có tên khoa học là Fructus lycii, là quả chín của cây Khởi tử, thuộc họ Cà (Solanaceae) và là vị thuốc khá phổ biến hiện nay. Kỷ tử được biết đến như một loại có tác dụng ngăn ngừa sự lão hóa, tăng cường sức khỏe, tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể. Kỷ tử được biến tấu trong các món ăn dưỡng sinh, trong các loại trà hoặc rượu,…
Kỷ tử (Fructus lycii) có tên thường gọi là Câu kỷ tử, Câu kỷ hồng thực, Cam thái tử, Tây kỷ tử, Câu nãi tử, Câu đề tử, Kỷ tử quả, Địa cốt tử, Câu gia gia, Hồng nhĩ trụy, Huyết câu tử, Câu địa nha tử, Câu kỷ đậu, Huyết kỷ tử, Tân câu kỷ.

Đặc điểm thực vật của cây Kỷ tử

Cây Khởi tử là một loại cây nhỏ, có gai, lá hình mác mọc so le, cuống lá ngắn, hoa nhỏ mọc đơn độc ở kẽ lá, cánh hoa màu tím đỏ, quả mọng, hình trứng, khi chín có màu đỏ, thời gian thu hái quả chín là vào mùa hạ, mùa thu, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10. Thời điểm thu hái Kỷ tử trong ngày thường vào sáng sớm. Sau đó, sơ chế bỏ cuống, để ở nơi râm mát đến khi thấy lớp nhăn nheo trên vỏ quả là được, tiếp theo lại phơi âm can đến khi bên ngoài khô cứng, thịt quả mềm dẻo là được, nếu trời mưa nhiều thì có thể sao qua lửa nhỏ hoặc sấy ở nhiệt độ khoảng 30 - 45 độ C cho khô. Loại quả này thường được trồng nhiều ở vùng đất Ninh Hạ, Trung quốc. Thành phần dược chất chính trong Kỷ tử bao gồm Caroten, Canxi, Photpho, Sắt, Vitamin C, Vitamin B1, B2, Acid Nicotinic, Amon sunfat. Ngoài ra còn một số thành phần khác như Cholin, Betain, Lysin, Acid Xyanhydric và protein.

Tác dụng dược lý của kỷ tử

  • Hạ đường huyết;
  • Nâng cao chức năng thận;
  • Bảo vệ chức năng gan, thúc đẩy tăng sinh các tế bào gan;
  • Chống lão hóa;
  • Tăng cường miễn dịch;
  • Hạ Cholesterol máu, ức chế nhẹ sự lắng đọng chất béo trong gan, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Công dụng, chủ trị 

Kỷ tử có tính bình, vị chua ngọt, quy vào 3 kinh Phế, Can, Thận, có tác dụng làm bổ Can, nhuận Phế táo, bổ tinh khí, mạnh gân cốt. Chủ trị các chứng bệnh như Can âm hư, lưng gối đau mỏi, hoa mắt chóng mặt, suy giảm thị lực, chảy nước mắt, hư lao, ho, chứng bệnh tiêu khát, di tinh, khó có thai…
Trong ghi chép tại các y văn cổ, cái tên Câu kỷ tử được nhắc đến lần đầu trong cuốn <<Thần nông bản thảo kinh>> vị thuốc này được xếp vào hàng thượng phẩm. Ở thời đại nhà Tấn - Trung quốc, danh y Cát Hồng đã sử dụng Câu kỷ tử làm vị thuốc điều trị các bệnh nhãn khoa. Thời đại nhà Đường - Trung Quốc, Tôn Tư Mạo đã dùng Câu kỷ tử phối hợp cùng các vị thuốc khác để chế thành Bổ Can hoàn giúp trị liệu chứng Can kinh hư hàn, mắt mờ. Lại cũng cùng thời, Lý Diên ở trong cuốn << Y học nhập môn>> đã nhắc đến bài Ngũ tử diễn tông hoàn chuyên trị nam giới mắc chứng dương nuy, tảo tiết, lâu ngày không có con, râu tóc bạc cũng dùng Câu kỷ tử phối hợp với Thỏ ty tử và một số vị thuốc khác. 

Những quan điểm và việc sử dụng Kỷ tử theo y văn cổ

1 << Bản thảo kinh lưu>>

Câu kỷ tử có khả năng nhuận mà tư bổ, lại có thể thoái nhiệt, chuyên về bổ Thận, nhuận Phế, sinh tân, ích khí, là vị thuốc trọng yếu của việc bổ ích, điều trị các chứng do hư lao nội nhiệt, Can Thận âm bất túc. Người già phần âm thường hư, cho nên đây là vị thuốc tốt để ích tinh, làm sáng mắt sử dụng trong gia đình. Người xưa hay nói, nó có thể sinh tinh, ích khí, trừ âm hư nội nhiệt, nhiệt thoái thì âm sinh, âm sinh thì tinh huyết tự đầy, Can khai khiếu ra mắt, lòng đen thì thuộc Thận, phần âm của 2 tạng này được đầy đủ thì mắt tự sáng. Câu kỷ tử tuy là vị thuốc rất tốt để ích âm trừ nhiệt. Nếu như người có Tỳ Vị hư nhược, thi thoảng đi đại tiện lỏng nát thì không nên dùng, phải điều trị Tỳ Vị trước, khi tiết tả đã dừng thì có thể dùng. Nên dùng cùng Sơn dược, Liên nhục, Xa tiền, Phục linh thì tránh sự nhuận tràng quá mức.

2 << Bản thảo hối ngôn>>

Câu kỷ tử trị bệnh mắt do tác dụng tráng tinh ích thần, thần mãn tinh túc nên có thể làm sáng mắt; Câu kỷ tử có thể trị phong vì có thể bổ huyết sinh doanh, huyết túc phong diệt nên có thể trị phong. Thường thấy bổ khí tất phải chọn Sâm, Kỳ; bổ huyết tất phải dùng đến Đương quy, Thục địa; bổ dương tất phải dùng đến Quế nhục, Phụ tử; bổ âm tất phải dùng Tri mẫu, Hoàng bá; giáng hỏa tất nên dùng Hoàng cầm, Hoàng liên; khứ phong tất phải dùng Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong; mà không biết rằng Câu kỷ tử  có thể làm cho khí sung đầy, huyết được bổ, dương được sinh, âm được dưỡng, hỏa có thể giáng, phong thấp có thể trừ, hiệu quả rất tốt.

3 << Bản thảo thông huyền>>

Câu kỷ tử có thể bổ thận ích tinh, thủy vượng thì cốt cường, từ đó mà các chứng tiêu khát, yêu tất thống không thể không đỡ. Xét đến Câu kỷ tử tính bình mà không nhiệt nên có thể bổ thủy chế hỏa.

4 << Bản thảo cầu chân>>

Câu kỷ tử, cam hàn tính nhuận, các sách đều ghi chép rằng có khả năng khứ phong minh mục, cường cân kiện cốt, bổ tinh tráng dương, từ đó mà có thể bổ thận thủy khuy tổn, minh mục cường cân, chỉ rõ rằng Kỷ tử là vị thuốc bổ thủy nên trị được cả chứng tiêu khát. 

Phương dược sử dụng Kỷ tử

Trị lao thương hư tổn: Câu kỷ tử, Can địa hoàng, Thiên môn đông, đều nghiền nhỏ phơi khô, hòa với mật ong làm hoàn.
Bổ hư tổn, tăng trưởng cơ nhục, tươi nhuận nhan sắc, làm đầy đặn cơ thể: Câu kỷ tử, rượu trắng, trộn lẫn rồi ngâm trong 7 ngày, hớt váng đến khi nào dung dịch trong là được.
Kỷ viên cao: Câu kỷ tử, Long nhãn nhục, mỗi thứ lượng bằng nhau, cho thêm nước đun nhỏ lửa nhiều lần, đến khi hai thứ hòa quyện vào nhau, hớt bọt, chưng thành cao, mỗi ngày uống 2 thìa, uống chung với nước đun sôi. Nguồn gốc trong cuốn <<Nhiếp sinh bí phẫu>> dùng Câu kỷ tử để bổ thận, ích tinh huyết, Long nhãn nhục để dưỡng huyết an thần, ích trí. Dùng trong các trường hợp can thận bất túc, huyết bất dưỡng tâm, lưng gối đau nhức, đầu váng tai ù, hồi hộp hay quên.
Kỷ tinh cao: Câu kỷ tử, Hoàng tinh lượng bằng nhau, cho thêm nước đun lửa nhỏ nhiều lần, sau khi bỏ bã cho thêm mật ong một lượng thích hợp, trộn đều, đun sôi, đợi nguội là có thể dùng được. Mỗi ngày uống 2 muỗng, uống với nước đun sôi.
Kỷ vị trà: Câu kỷ tử, Ngũ vị tử đều nghiền nhỏ, mỗi ngày lấy 15 gram hãm với nước sôi làm trà uống. Nguồn gốc từ cuốn <<Nhiếp sinh bát diệu phương>> phương này dùng Câu kỷ tử để bổ ích âm tinh, Ngũ vị tử để ích khí sinh tân, liễm hãn. Dùng cho người khí âm bất túc, không chịu được khí hậu nắng nóng của mùa hè, và thường phát bệnh vào mùa hè như chóng mặt, mệt mỏi, hai chân không có sức, tâm phiền tự hãn, ăn uống kém, mạch phù vô lực. 
Chú ý và cấm kỵ:
Những trường hợp ngoại tà thực nhiệt, tỳ hư có thấp gây tiết tả (tiêu chảy).
Dẫn chứng cụ thể trong:
  • << Bản thảo kinh lưu>> viết: Tỳ Vị bạc nhược, thi thoảng đi ngoài phân lỏng nát thì không nên dùng.
  • << Bản thảo hối ngôn>> viết: Tỳ vị có hàn đàm lãnh tý không nên dùng
  • << Bản kinh phùng nguyên>> viết: Nguyên dương khí hư suy, người bị âm hư tinh hoạt thì thận trọng dùng.
Liều dùng: thông thường dùng lượng 5-15g ở trong thang sắc. Ngoài ra, có thể dùng làm hoàn, ăn sống, nấu cao, ngâm rượu.
BS. Nguyễn Yến
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới