Củ sả hay cây sả nói chung là loại cây khá quen thuộc với chúng ta. Củ sả được dùng rất phổ biến làm gia vị chế biến thức ăn. Ngoài làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn, sả cũng có nhiều thành phần có giá trị và ích lợi đối với sức khỏe con người, khi được dùng để làm thuốc điều trị một số bệnh và có công dụng hữu ích trong vấn đề làm đẹp.
Đặc điểm của cây sả
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, sả còn gọi là cỏ sả, lá sả, sả chanh, hương mao.
Tên khoa học Cymbopogon nardus Rendl (sả) - Cymbopogon flexuosus. Stapf (sả chanh); thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Sả là loài cỏ mọc lâu năm, thường mọc thành dạng bụi, cao khoảng 1 đến 1,5m, thân màu xanh trắng hoặc ngả tía, lá hẹp, dài, mép nhám, bẹ lá có sọc dọc, quấn vào nhau, hoa mọc thành chùm, không có cuống. Theo Đông y, cây sả vị the, mùi thơm, tính ấm.
Chiết xuất từ cây sả ra được nhiều tinh dầu. Trong
tinh dầu sả thành phần chủ yếu là citral. Lá cây sả chứa 0,4-0,8% tinh dầu ở dạng dễ bay hơi, thân cây sả chứa 75-85% hương thơm mùi chanh tự nhiên và các tinh chất đặc biệt khác. Củ sả chứa 1 - 2% tinh dầu có màu vàng nhạt, thơm mùi chanh, thành phần chủ yếu là citral (65 - 85%), geraniol (40%).
Cây sả được trồng ở khắp nước ta, nhưng diện tích trồng làm thuốc không nhiều, chỉ có tính chất gia đình và chỉ dùng rễ hoặc toàn cây đào về dùng tươi hay phơi trong râm mát.
Thành phần dinh dưỡng của sả
Trong sả có nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5, vitamin B6 và axit folic. Nó cũng chứa nhiều loại khoáng chất quan trọng như kali, canxi, magie, phốt pho, man gan, đồng, kẽm và sắt.
Ngoài ra, trong sả còn chứa các chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất phenolic như luteolin, glycosides, quercetin, kaempferol, elemicin, catechol, axit chlorogenic, và axit caffeic. Đặc biệt, trong thành phần của sả còn có citral, một hợp chất hóa học có hương chanh và có nhiều công dụng tuyệt vời.
Tác dụng của sả đối với sức khỏe
Tốt cho hệ tiêu hóa: Với hoạt chất tinh dầu có mùi thơm, vị cay tính ấm, sả được xếp vào nhóm thuốc hành khí của
y học cổ truyền, điều trị các chứng nê trệ, đầy hơi của đường tiêu hóa. Sả có vị cay tê nhưng không nóng, khi kết hợp với các món ăn rất kích thích vị giác. Đây cũng là chất giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động, tốt cho khả năng tiêu hóa trong cơ thể, chống đầy hơi, ngăn ngừa sự hình thành của đờm nhớt, chống hôi miệng hiệu quả. Tinh dầu từ sả giúp hỗ trợ ăn uống kém, các vấn đề về đường tiêu hóa, giảm buồn nôn, giảm chứng đau dạ dày, tiêu chảy,…
Ngăn ngừa ung thư: Trong cây sả có chứa chủ yếu hợp chất citral - hợp chất này có tác dụng giúp tiêu diệt, ngăn ngừa các tế bào ung thư và không làm ảnh hưởng, tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh khác. Bên cạnh đó, trong sả có chứa thành phần beta-carotene-1 là chất chống oxy hóa cũng có thể giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư.
Chống viêm và kháng nấm: Một nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Hóa sinh, Khoa Y, Đại học Chiang Mai, Thái Lan cho thấy tinh dầu sả được pha loãng hoặc qua máy xông hơi có tác dụng chống viêm tại chỗ và kháng lại nấm Candida, C. Tropicalis và Aspergillus niger...
Điều hòa kinh nguyệt: Đây là một trong những tác dụng tuyệt vời của sả dành cho các chị em gặp các vấn đề về rối loạn kinh nguyệt cũng như bị đau bụng vào những ngày này. Bạn chỉ cần dùng nước ép sả tươi hoặc đun nước sả để uống sẽ có tác dụng giảm đau và điều hòa kinh nguyệt rất hiệu quả.
Giúp thải độc: Cây sả có khả năng giúp cơ thể loại bỏ axit uric và các chất độc hại khác. Chính vì vậy, việc thêm sả và chế độ ăn có thể đem lại tác dụng giải độc gan, hệ tiêu hóa, tuyến tụy, thận và bàng quang. Đồng thời, sả cũng có tác dụng thanh lọc cơ thể bằng cách tăng cường số lượng và tần suất đi tiểu. Uống nước sả có thể giúp giải độc rượu rất nhanh. Những người say rượu nặng khi uống nước sả vào sẽ nhanh chóng tỉnh táo, đỡ mệt mỏi, nhức đầu. Cách đơn giản là bạn có thể dùng một bó sả giã nát nấu với nước lọc, sau đó gạn lấy một chén nước và uống.
Tốt cho hệ thần kinh: Tinh dầu sả có tác dụng giải tỏa căng thẳng, thư giãn đầu óc. Các chất trong cây sả còn có tác dụng đáng kể trong hỗ trợ điều trị các bệnh về hệ thần kinh như: Bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson,
động kinh, run chân tay, căng thẳng,…
Chữa bệnh đường hô hấp: Từ lâu, cây sả đã được coi là bài thuốc hữu hiệu dùng để phòng và chữa các bệnh đường hô hấp khi chuyển mùa. Cây sả tươi hoặc tinh dầu sả được dùng để xông phòng, xông mũi họng, giúp giảm ho, giải cảm, tiêu đờm.
Giảm đau và thư giãn: Sử dụng sả có tác dụng giúp giảm đau do chứng đau nửa đầu và đau đầu liên quan đến sốt, cảm lạnh và cúm. Sả cũng được sử dụng để hỗ trợ chữa đau lưng, thấp khớp, bong gân và các chứng đau cơ thể khác. Bên cạnh đó, sả được sử dụng trong bồn tắm hoặc qua máy xông hơi có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đau đầu, lo lắng và căng thẳng.
Một số tác dụng khác: Xua đuổi côn trùng, đuổi muỗi hiệu quả. Sả có tác dụng làm đẹp da, tinh dầu sả được dùng để chữa mụn trứng cá, làm săn chắc da, hoặc xông hơi để cải thiện làn da,….
Những lưu ý khi sử dụng sả để tránh được tác dụng phụ của sả:
Mặc dù cây sả có nhiều công dụng hữu ích nhưng không phải ai cũng dùng được, nhất là có một số trường hợp không nên hoặc hạn chế dùng như:
-
Người có thể trạng gầy gò, nóng nhiệt, âm hư, ra nhiều mồ hôi, giai đoạn sốt cao, miệng khô khát.
-
Hoặc giai đoạn hết sốt người nóng bứt rứt, khó ngủ, ho khan, mất khứu giác, da khô sần...
-
Không dùng sả làm thực phẩm chế biến thức ăn cho bà bầu bởi sả có thể kích thích tử cung, gây nguy cơ sảy thai.
-
Người bị cảm nhiệt, cảm nắng không nên dùng các bài thuốc từ sả để xông hoặc uống. Người bệnh có thể sẽ bị hao khí và tân dịch.
-
Không hít hà tinh dầu xả một cách trực tiếp: Chiết xuất từ sả rất đậm đặc có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi và phổi.
-
Không uống tinh dầu xả bởi có thể gây ngộ độc.
Một số cách dùng sả đơn giản
Thuốc xông giải cảm: Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5-10 phút. Lấy ra, mở vung, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ.
Nước gội đầu: Lá sả 50g, mần trầu 50g, bồ kết 10 quả. Nấu nước gội đầu, làm trơn tóc sạch gàu, phòng tránh bệnh về tóc và da đầu.
Liệu pháp hương thơm: Thêm 3-5 giọt tinh dầu vào 1 thìa cà phê dầu nền (khoảng 10ml), chẳng hạn như dầu dừa, dầu hạnh nhân hoặc dầu jojoba. Sau đó mát-xa nhẹ nhàng lên cơ thể. Cách này có thể giúp thư giãn, giảm mệt mỏi, căng thẳng.
Sử dụng máy khuếch tán tinh dầu: Tùy vào diện tích phòng để sử dụng lượng dầu cho phù hợp. Hoặc vài giọt tinh dầu vào nước tắm giúp tăng cường sự tỉnh táo, giải cảm, tăng tiết mồ hôi.
Những bài thuốc với sả
Trị tiêu chảy: Rễ sả, củ gấu, vỏ rụt, vỏ quýt, hậu phác mỗi vị 6 - 12g. Sắc uống trong ngày.
Chữa đầy bụng: Tinh dầu sả 3 - 6 giọt. Nhỏ vào cốc nước cho uống, chữa đầy bụng, đau bụng.
Trị tiểu rắt, phù nề chân: 100g lá sả, 50g rễ cỏ tranh, 50g rễ cỏ xước, 50g bông mã đê. Mang các nguyên liệu trên đi rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Sau đó, bạn cho các nguyên liệu trên vào nồi nấu cùng 400ml nước, nấu đến khi còn lại 100ml thì tắt bếp và lọc lấy nước. Mỗi ngày uống 2 lần, uống trong 3 đến 4 ngày.
Trị ho, viêm họng: 250g rễ sả, 250g trần bì, 250g sinh khương, 200ml rượu trắng (40 độ), 500g bách bộ đã được bỏ lõi, cắt nhỏ, sấy khô, 300g mạch môn đã bỏ lõi, 200g tang bạch bì sao mật. Bạn cho rễ sả, trần bì, sinh khương vào cối, giã nát rồi ngâm với rượu. Tiếp theo, cho các nguyên liệu khác vào nồi và nấu với nước đến khi sắp cạn, khoảng 300ml dạng cao lỏng rồi mang pha vào rượu đã ngâm. Uống 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10ml.
Thức uống tốt từ sả
Nước gừng, chanh, sả: 1 quả chanh, 2 - 3 cây sả, 50g gừng, 20 - 40g đường phèn, ¼ thìa cà phê muối. Chanh rửa sạch, vắt lấy nước cốt. Sả rửa sạch, đập dập, cắt khúc khoảng 2 đốt ngón tay. Gừng rửa sạch, cạo vỏ rồi đập dập. Đun sôi nước để làm tan đường phèn, sau đó cho xả vào đun 5 phút, gừng 3 phút, để nguội rồi vắt chanh vào là có thể thưởng thức.
Trà sả: Giã hoặc cắt khoảng 10 lá sả thành những đoạn nhỏ dài từ 2,5-3 cm. Đun sôi nước rồi cho xả vào. Đun tiếp khoảng 10-15 phút. Sau đó lọc bỏ bã, thêm đường (tùy sở thích) và một lát gừng vừa ăn. Để nguội, uống mỗi lần một cốc, 2-3 lần mỗi ngày. Pha trà mới nếu cần thiết. Khi các triệu chứng vẫn còn hoặc xảy ra kích ứng cần ngừng dùng trà sả và hỏi ý kiến bác sĩ. Trà sả có tác dụng hỗ trợ làm giảm căng thẳng, stress, giải độc rượu,…
Trà sả chanh mật ong: 1 quả chanh, 2 hoặc 3 nhánh sả, 1 gói trà túi lọc và mật ong. Cho sả đập dập vào nồi, rót thêm 300ml nước lọc vào rồi đun sôi với lửa lớn. Đun nước sả đến khi sôi thì tắt bếp, đổ ra ly thủy tinh rồi cho gói trà túi lọc vào ủ trà trong khoảng 10 – 15 phút rồi vớt bỏ túi lọc ra ngoài. Chanh vắt lấy nước cốt cho vào ly trà sả sau khi nguội rồi cho thêm mật ong vào tùy độ ngọt.
Cây sả là nguyên liệu vô cùng quen thuộc, dễ tìm kiếm, có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của bạn. Thông tin trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi, cây sả có tác dụng gì? Khi đã hiểu rõ về giá trị và những lợi ích thiết thực của cây sả đem lại, bạn có thể ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày, tận hưởng công dụng của cây sả để làm đẹp cho bản thân và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)