Những quan niệm sai lầm về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng, giúp cho người bệnh ổn định huyết áp và phòng ngừa các biến chứng về sau. Tuy nhiên, mọi người vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Không có triệu chứng thì không bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường diễn biến âm thầm. Đa số bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng cụ thể, không có dấu hiệu báo trước, do đó mọi người thường có thái độ chủ quan về sức khoẻ mà không biết mình đang bị tăng huyết áp. Chỉ một số ít bệnh nhân có biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng, buồn nôn, lo lắng… Cách duy nhất để phát hiện tăng huyết áp là đo huyết áp. Ngoài ra, việc lựa chọn các thiết bị để theo dõi tình trạng huyết áp cũng rất quan trọng, cần phải chọn các loại thiết bị chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và xuất xứ từ các thương hiệu uy tín. 

Tăng huyết áp chỉ gặp ở người cao tuổi

Mặc dù bệnh tăng huyết áp phổ biến hơn ở người cao tuổi, nhưng người trẻ tuổi hoặc trung tuổi cũng có thể bị bệnh lý này. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến khoảng 7,5% người từ 18–39 tuổi; 33,2% người từ 40–59 tuổi và 63,1% người trên 60 tuổi. Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp ở người từ 45 tuổi trở lên là tăng huyết áp vô căn, trong khi tăng huyết áp ở người dưới 45 tuổi thường có nguyên nhân rõ ràng như u tuỷ thượng thận, hẹp động mạch thận, viêm cầu thận cấp và mạn, suy thận, cường Aldosterone, Cushing, cường giáp…
Hiện nay, tình trạng tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa do nhịp sống hiện đại nhiều áp lực, lối sống không lành mạnh: Nghiện rượu, nghiện  thuốc lá, thuốc lào, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu, ăn mặn, lười vận động, môi trường làm việc căng thẳng nhiều stress,… 

Tăng huyết áp ở người già là chuyện bình thường, không cần điều trị

Một trong những quan niệm sai lầm hay gặp khác chính là tăng huyết áp ở người già là bình thường và chỉ cần can thiệp khi huyết áp đã tăng rất cao, thậm chí không cần điều trị gì. Mặc dù tình trạng tăng huyết áp tỷ lệ thuận theo tuổi hay nói cách khác thì tuổi càng cao nguy cơ bị tăng huyết áp càng lớn. Nhưng tăng huyết áp ở người già không phải là chuyện bình thường mà được coi là bệnh lý, cần phải được theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Tăng huyết áp không nguy hiểm

Tăng huyết áp nếu không điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận... thậm chí dẫn đến tử vong.

Tăng huyết áp có thể chữa khỏi

Hiện nay, vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp và giảm tác động của bệnh đến sức khỏe như duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thường xuyên, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, bỏ hút thuốc lá và thuốc lào, duy trì cân nặng hợp lý, dùng các loại thuốc Tây y và Đông y

Dừng thuốc điều trị huyết áp khi thấy huyết áp ổn định

Rất nhiều bệnh nhân tự ý dừng thuốc huyết áp khi thấy chỉ số huyết áp về bình thường vì cho rằng đã khỏi bệnh tăng huyết áp và họ chỉ cần uống thuốc khi nào thấy huyết áp cao. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi vì tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính, người bệnh phải duy trì uống thuốc huyết áp hàng ngày cho dù chỉ số huyết áp về bình thường. Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ số huyết về bình thường là do tác dụng của thuốc, khi ngưng thuốc huyết áp thì nồng độ thuốc trong cơ thể người bệnh không còn nữa nên chắc chắn huyết áp sẽ tăng trở lại. 
Mặt khác, nhiều bệnh nhân không nhận thấy triệu chứng gì đặc biệt khi huyết áp tăng cao nên người bệnh khó nhận ra để uống thuốc lại và nếu huyết áp lên quá cao sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim…

Dùng chung đơn thuốc với người khác mà không đi khám bệnh

Một số người cho rằng một đơn thuốc huyết áp có thể điều trị hết cho tất cả mọi người nên xin đơn thuốc của người khác để mua về uống và tự điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi bệnh nhân được kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe, mức độ nặng nhẹ của từng người bệnh, từng giai đoạn của bệnh, các bệnh lý khác kèm theo. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được sử dụng chung đơn thuốc với người khác mà cần dùng thuốc theo đơn thuốc được chỉ định bởi bác sĩ.

Tự ý đổi thuốc huyết áp đang dùng

Bệnh nhân tăng huyết áp không nên tự thay đổi thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất là thuốc giúp kiểm soát tốt huyết áp, ít tác dụng phụ và giá thành hợp lý. Đối với người này, loại thuốc đó có thể rất tốt nhưng đối với người khác lại kém hiệu quả. Do đó, người bệnh không nên tự ý đổi thuốc khi huyết áp đang ổn định.

Dùng một đơn thuốc kéo dài, không đi khám định kỳ

Huyết áp có thể thay đổi tốt hơn và cũng có thể xấu đi kèm theo đó là nhiều biến chứng mà người bệnh khó nhận ra. Vì vậy, bệnh nhân tăng huyết áp cần tái khám định kỳ để được bác sĩ kiểm tra huyết áp, thăm khám lâm sàng và có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm một số phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm tim, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính…Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc, đổi loại thuốc mới và tư vấn chăm sóc phù hợp, tuyệt đối không tự ý dùng mãi một đơn thuốc kéo dài.

Chỉ cần uống thuốc huyết áp, không cần điều chỉnh lối sống

Chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến thừa cân – béo phì, ăn mặn, ít vận động, áp lực công việc, cuộc sống căng thẳng, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá… là các yếu tố nguy cơ góp phần gây tăng huyết áp. Do đó, ngoài việc dùng thuốc để kiểm soát huyết áp thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, tập luyện thể dục thường xuyên sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt mà không uống thuốc huyết áp

Một số người nghĩ chỉ cần ăn nhạt, tập luyện để giảm cân là có thể cải thiện bệnh tăng huyết áp nên không uống thuốc. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có vai trò bổ trợ, chứ không thể thay thế thuốc. Người bệnh vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp thay đổi lối sống, tăng cường vận động.

Dùng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc thuốc tự chế

Một số người nghe những người xung quanh truyền tai nhau về cách tự mua lá cây, rễ cây về nấu nước uống, mà không biết rằng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc thuốc tự chế có thể làm tăng men gan hoặc tổn thương thận… gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh.
Đối với y học cổ truyền, người bệnh cần được khám tỉ mỉ để chẩn đoán đúng thể bệnh, từ đó thầy thuốc sẽ có phương thuốc y học cổ truyền phù hợp. Ngoài ra, cần chọn địa chỉ khám chữa bệnh bằng đông y uy tín, dùng thuốc thảo dược có nguồn gốc rõ ràng. 

Không theo dõi huyết áp thường xuyên

“Khi uống thuốc huyết áp rồi thì huyết áp sẽ luôn ổn định mà không cần đo huyết áp thường xuyên tại nhà”, đây cũng là một quan điểm sai lầm của rất nhiều người. Vì huyết áp có thể dao động, cho nên việc theo dõi và ghi lại các chỉ số huyết áp tại nhà là cần thiết để bác sĩ đánh giá được hiệu quả của phác đồ điều trị. Vậy nên, người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên vào cùng một thời điểm mỗi ngày, buổi sáng và buổi tối, hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ. 

Người khỏe mạnh bình thường không cần kiểm tra huyết áp

Nhiều bệnh nhân có huyết áp tăng cao nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng nên không biết mình bị tăng huyết áp. Bệnh tiến triển thầm lặng và dần dần gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận… Do đó, dù ở độ tuổi nào cũng nên kiểm tra sức khỏe và huyết áp định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Những quan niệm sai lầm kể trên khiến nhiều người bị tăng huyết áp mà không được phát hiện sớm, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, hãy từ bỏ những quan niệm sai lầm này sẽ giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp tốt hơn. 

Cần làm gì để kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp?

Để kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh cần lưu ý một số điều sau: 
  • Thăm khám định kỳ và sử dụng thuốc dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc hay tự điều trị theo đơn thuốc của người khác. Đặc biệt, người bệnh huyết áp cần thăm khám định kỳ để được bác sĩ kiểm tra và thay đổi thuốc nếu cần;
  • Kiểm tra chỉ số huyết áp mỗi ngày, ghi nhận thông tin vào sổ theo dõi huyết áp;
  • Thăm khám, tầm soát tăng huyết áp từ sau 40 tuổi với người bình thường hoặc sớm hơn tùy theo bệnh lý mắc phải;
  • Người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì;
  • Chế độ ăn uống khoa học: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả. Giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế rượu bia…
  • Luyện tập thường xuyên: Cần lên kế hoạch duy trì luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/ tuần. Việc luyện tập không chỉ giúp tăng cường sức khoẻ mà còn giúp người bệnh giảm stress - một trong những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng. Không hút thuốc lá, thuốc lào…
  • TS. Lương Y  Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới