Theo số liệu thống kê thì 3 năm trở lại đây, số người phải nhập viện điều trị vì tai biến mạch máu não tăng lên từ 1,7%-2,5%, một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Vì thế phòng bệnh hơn trị bệnh, đó là mối đe dọa tiềm ẩn mà bản thân chúng ta lại không hề hay biết trước và có thể để lại hậu quả nặng, nghiêm trọng.
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là một hội chứng lâm sàng, đặc trưng bởi hiện tượng mất chức năng não cục bộ cấp tính kéo dài trên 24 giờ, có thể gây tử vong và nguyên nhân là do mạch máu não.
Tai biến mạch máu não bao gồm: Chảy máu não nguyên phát (chảy máu não và trong não thất), chảy máu khoang dưới nhện (hay chảy máu màng não), và thiếu máu não cục bộ cấp (hay nhồi máu não). Trong đó thiếu máu cục bộ não cấp chiếm 80-85% trường hợp tai biến mạch máu não, nhưng thường ít dẫn đến tử vong hơn chảy máu não.
Nguyên nhân của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não xuất hiện do:
-
Lòng động mạch máu nuôi não bị tắc do mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch dày lên dần, làm hẹp lòng mạch;
-
Xuất hiện cục máu đông di chuyển từ tim do tim bị bệnh loạn nhịp hoặc bệnh hẹp – hở van tim khiến máu ứ lại, đóng thành cục máu đông trong tim, sau đó chảy lên não làm kẹt lại gây tắc mạch máu não;
-
Xuất huyết não (mạch máu bị vỡ làm chảy máu, chèn ép não bộ) và xuất huyết khoang dưới nhện (mạch máu bị phình rồi vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não).
-
Ớ người già, tăng huyết áp, xơ vữa mạch là nguyên nhân chính.
-
Ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu là vỡ túi phình động mạch, dị dạng động - tĩnh mạch.
-
Một số nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não:
-
Thừa cân, béo phì;
-
Nghiện thuốc lá, thường xuyên hút thuốc;
-
Uống quá nhiều rượu, bia và đồ uống có cồn;
-
Ít vận động, tập thể dục;
-
Thường lo lắng, căng thẳng, bị rối loạn lo âu kéo dài;
-
Huyết áp cao (tăng huyết áp);
-
Mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý tim mạch;
-
Ăn đồ có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao;
-
Nam giới và phụ nữ khi bước qua tuổi trung niên;
-
Tiền sử gia đình có người từng bị tai biến.
Tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?
Mức độ ảnh hưởng của tai biến mạch máu não có thể từ nặng đến nhẹ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính:
-
Vị trí và kích thước của vùng não bị tổn thương;
-
Tính kịp thời của các biện pháp can thiệp điều trị.
Tai biến mạch máu não là tình trạng rất cấp bách cần xử lý ngay lập tức, nếu quá “thời gian vàng” có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm gây tử vong. Trường hợp tai biến xuất huyết não cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong thời gian tính bằng phút, còn trường hợp tai biến nhồi máu não có thể cấp cứu trong vòng 4 - 5 tiếng sau khi xuất hiện tai biến, nhưng nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, cấp cứu càng sớm càng giảm thiểu được khả năng di chứng ảnh hưởng.
Tùy vào phần não bị tổn thương mà những bệnh nhân tai biến sẽ gặp những biến chứng khác nhau, trong đó những biến chứng thường gặp là:
-
Tê liệt tay, chân, nửa người hoặc toàn thân. Biến chứng có thể khắc phục bằng việc thực hiện vật lý trị liệu;
-
Méo miệng do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống;
-
Mất trí, trí nhớ kém;
-
Phù não;
-
Động kinh;
-
Huyết khối tĩnh mạch sâu;
-
Mất khả năng vận động không tự chăm sóc bản thân;
-
Rối loạn nuốt;
-
Xẹp phổi, viêm phổi;
-
Lo lắng, căng thẳng quá mức;
-
Rối loạn giấc ngủ;
-
Trầm cảm,…
Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày thì một người bị tai biến mạch máu não mới có thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, các biến chứng tai biến mạch máu não kéo dài vĩnh viễn, chỉ có thể can thiệp để làm thuyên giảm biến chứng, không thể hồi phục hoàn toàn.
Dấu hiệu nhận biết sớm tai biến mạch máu não
Làm sao để nhận biết sớm một người bị tai biến mạch máu não? Càng sớm nhận biết các dấu hiệu đột quỵ để can thiệp sẽ giúp hiệu quả can thiệp cao hơn, ít để lại biến chứng. Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời:
-
Đau đầu dữ dội từng cơn, mức độ đau gia tăng theo thời gian;
-
Mắt nhòe đi, mờ dần, giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt;
-
Hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hoặc té ngã mà không biết lý do, khó chịu mệt mỏi;
-
Yếu hoặc tê hoặc mất cảm giác ở mặt, tay hoặc chân một bên hoặc cả hai bên của cơ thể, cười méo miệng, nói lắp;
-
Nói khó hoặc khó hiểu.
Đôi khi các dấu hiệu này biến mất trong thời gian ngắn, như là vài phút. Khi điều này xảy ra, có thể là cơn thiếu máu cục bộ nhất thời. Sau khi bị như thế, nguy cơ bị đột quỵ sẽ cao hơn. Bệnh đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật. Cơn thiếu máu cục bộ nhất thời là một cảnh báo cho biết có thể bị bệnh đột quỵ và là cơ hội để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.
Ngăn ngừa, phòng tránh tai biến mạch máu não
Có rất nhiều tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể ngăn ngừa từ trước, tất nhiên không phải là tất cả. Bạn có thể giảm thiểu tỉ lệ mắc phải tai biến mạch máu não thông qua:
Dùng các nhóm thuốc điều trị bệnh đúng chỉ định và liều lượng. Đôi khi việc dùng ĐÚNG CHỈ ĐỊNH VÀ LIỀU LƯỢNG một vài nhóm thuốc đóng vai trò rất quan trọng giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não như:
-
Các thuốc hạ huyết áp;
-
Nhóm thuốc “Statins”, đây là nhóm thuốc giảm lượng Cholesterol;
-
Nhóm thuốc ngăn ngừa cục máu đông, như thuốc Aspirin hoặc nhóm thuốc làm loãng máu;
-
Nhóm thuốc kiểm soát lượng đường huyết (đối với những bệnh nhân đái tháo đường);
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu,... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Chế độ ăn uống với dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
-
Sử dụng nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc;
-
Cắt giảm tối đa hàm lượng natri, không ăn thức ăn quá mặn;
-
Ăn nhiều hải sản, thịt trắng, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ;
-
Không ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh;
-
Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường;
-
Uống nhiều nước lọc, nước trái cây,...
Thực hiện lối sống lành mạnh:
-
Tập thể dục, rèn luyện thể chất đều đặn hàng ngày để nâng cao thể trạng;
-
Không hút thuốc lá;
-
Hạn chế rượu bia, không sử dụng các chất kích thích;
-
Ổn định cân nặng, tránh béo phì;
-
Luôn có một tinh thần thoải mái, tâm lý ổn định và lạc quan;
-
Có một lối sống và sinh hoạt hợp lý, khoa học, luôn ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và làm việc quá sức,…
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất. Những người có bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức cho phép có thể gây ra đột quỵ.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm và đến bất ngờ, vậy nên việc phòng bệnh là cần thiết và vô cùng quan trọng. Hi vọng với những thông tin cần thiết trên đây sẽ giúp quý độc giả có thêm thông tin để có thể phòng tránh bệnh một cách hiệu quả nhất.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)