Cơ thể con người luôn diễn ra song song hai quá trình đối lập và thống nhất. Hai quá trình này nếu hoạt động điều hòa, nhịp nhàng thì cơ thể khỏe mạnh, còn nếu một trong hai xảy ra rối loạn thì cơ thể sẽ phát sinh trạng thái bệnh lý. Đặc biệt, ở đây sẽ nói về quá trình bài tiết, thải độc. Nếu quá trình bài tiết, thải độc bị ứ trệ, cơ thể sẽ không bài tiết được các chất thải ra ngoài, từ đó thấm ngược trở lại và gây độc cho cơ thể.
Con đường bài tiết của cơ thể gồm có da, đại tiện, hơi thở, tiểu tiện và cơ quan đảm nhận việc này lần lượt là da, đại tràng, phổi, gan, thận.
Quá trình thải độc ở gan
Trong số các cơ quan của cơ thể, gan là cơ quan có khối lượng gần như lớn nhất. nó đảm nhiệm chức năng quan trọng và đa dạng tương ứng với khối lượng của nó. Ngoài ra, vì phải đảm đương nhiều nhiệm vụ như vậy nên nếu chức năng gan bị suy giảm, sức khỏe sẽ xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Gan là một tạng rất đặc biệt, dù nó có bị tổn thương đến 80% thì với 20% còn lại nó vẫn có khả năng phục hồi và sửa chữa lại 80% tổn thương.
Nếu bạn đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng như khô móng, chảy nước mắt, mắt mờ thì chức năng gan của bạn có thể đang bị rối loạn.
Một trong số những chức năng chính của gan là sản sinh ra dịch mật để tiêu hóa protein và chất béo. Những đường dẫn mật trong gan đưa mật đến dự trữ trong túi mật. Khi thức ăn có chứa protein và chất béo vào dạ dày, túi mật sẽ co bóp đưa túi mật xuống tá tràng và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu đường dẫn mật bị tắc nghẽn do các chất cặn bã thì quá trình dẫn mật có thể bị cản trở, làm giảm lượng mật sản xuất, hoạt động tiêu hóa kém đi và làm tăng Cholesterol. Khi tiêu hóa giảm đi thì thức ăn bị lưu lại cơ thể lâu hơn. Thời gian càng lâu, thức ăn càng bị phân hủy thì sẽ càng dễ tạo ra nhiều độc tố khiến các chức năng của cơ thể kém đi. Việc làm giảm tình trạng tắc nghẽn sẽ hỗ trợ sản xuất dịch mật. Khi các ống dẫn mật được thông suốt, mật được đổ về túi mật thì các loại vi khuẩn hay ký sinh trùng trú ngụ trong ống dẫn mật cũng như các chất cặn bã cũng được đào thải ra ngoài.
Quá trình thải độc qua thận
Thận là cơ quan quan trọng trong quá trình bài tiết của cơ thể. Mỗi một ngày, thận của chúng ta có thể lọc được 180 lít dịch và đào thải ra khỏi cơ thể khoảng 1,5 lít nước tiểu. Điều này chứng tỏ vai trò của thận trong việc đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể quan trọng như thế nào. Nếu như chức năng thận suy giảm, chúng ta có thể thấy biểu hiện như người mệt mỏi, chân tay phù thũng, hoặc nếu như bạn thấy trong nước tiểu của mình có nhiều bọt trắng bất thường, thậm chí còn lẫn cả máu thì bạn nên kiểm tra ngay hệ thống bài niệu xem có bất thường về chức năng hay thực thể không. Trong cơ thể, thận đóng vai trò chức năng như một chiếc cống nước ngầm của cơ thể. Thế nên, nếu chúng ta không bảo quản, chăm sóc tốt chiếc cống ngầm này thì sức khỏe và sự cân bằng của cả cơ thể sẽ bị sụp đổ. Nếu các chất cặn bã không được đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể, chúng sẽ tạo thành sỏi và nếu không được xử trí sớm thì kích thước và số lượng sỏi sẽ tăng dần gây nhiễm khuẩn ngược dòng, phá hủy tế bào của thận hoặc làm chết tổ chức và làm thận mất hẳn chức năng. Thậm chí, những chất độc hại tích tụ ở thận còn có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác, gây ra vấn đề về khả năng miễn dịch và trở thành nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh như tăng huyết áp,
tiểu đường, đau dây thần kinh, viêm khớp…
Quá trình thải độc qua đại tràng
Chất cặn bã của thức ăn sau khi đã được hấp thu phần lớn chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột non sẽ được đưa đến ruột già (đại tràng). Trong đại tràng có đến 700 loại vi khuẩn sinh sống, những vi khuẩn này có nhiệm vụ sàng lọc để hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết một lần cuối trước khi đào thải các chất cặn bã của thức ăn ra ngoài cơ thể. Có thể nói, giai đoạn cuối cùng của quá trình tiêu hóa – hấp thu thức ăn không phải ở tiểu tràng (ruột non) mà là đại tràng (ruột già). Ruột già có thể biến đổi những chất không có giá trị thành chất có ích đối với cơ thể, để tái hấp thu và sử dụng chúng. Nếu đại tràng hoạt động kém và không hấp thu đủ nước thì phân sẽ ứ đọng lâu ngày trong đại tràng, lâu ngày sẽ phân hủy và tạo ra độc tố, những độc tố này có thể gây hại cho các cơ quan khác. Ngoài ra, chúng còn có thể trở thành thức ăn của các loại ký sinh trùng hoặc kết hợp với những loại vi khuẩn có hại và biến tính. Nếu trong đại tràng chứa nhiều phân ứ đọng lâu ngày và độc tố tích tụ nhiều, có thể khiến cơ thể mệt mỏi, gây ra hàng loạt các triệu chứng như đau đầu, khó tiêu hóa, nóng giận, kinh nguyệt không đều,
hen suyễn, dị ứng, trĩ,… Ngoài ra, khi phân tích tụ lâu ngày sẽ tạo ra khí ga độc hại, loại khí này tích tụ gây chèn ép mạch máu, làm tăng huyết áp. Do đó với người có chỉ số huyết cao cần đặc biệt chú ý đến việc đào thải hoặc loại bỏ phân ứ đọng lâu ngày trong đại tràng. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta nên chủ động thay đổi chế độ ăn, tích cực ăn nhiều thức ăn có chất xơ, uống đủ nước, thường xuyên mát – xa bụng hoặc tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ. Nếu tình trạng nặng, chúng ta có thể xem xét dùng các biện pháp hỗ trợ để giải phóng ứ đọng trong đại tràng càng sớm càng tốt.
Quá trình thải độc qua da
Con người không chỉ thở bằng phổi mà còn thở bằng da. Da không chỉ bao bọc và bảo vệ cơ thể mà còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt, bài tiết các chất cặn bã như mồ hôi và độc tố ra khỏi cơ thể qua hoạt động hô hấp. Ngoài ra, da cũng có thể hấp thu các chất, do đó chúng ta có thể vận dụng các phương pháp chữa trị bên ngoài như xoa hoặc đắp thuốc để điều trị bệnh. Với diện tích da trên cơ thể ở người trưởng thành tương đối lớn là 14.000 -16.000 cm2 thì con đường này cũng là con đường bài tiết rất quan trọng đối với cơ thể.
Kết luận
Hấp thu và bài tiết giống như hai mặt âm dương trong vũ trụ, tuy đối lập nhưng lại thống nhất. Nó tạo nên một chỉnh thể hoạt động tuần hoàn, đây cũng là yếu tố cơ bản quan trọng của một cơ thể khỏe mạnh. Nếu như một trong hai quá trình đó gặp trục trặc thì con đường tuần hoàn lưu thông sẽ gặp tắc nghẽn, trở trệ và gây ra hàng loạt các bệnh lý khác nhau.
BS. Nguyễn Yến