Y học cổ truyền có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân với kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh lâu đời của ông cha ta và các phương pháp trị liệu cùng với nguồn dược liệu quý giá.
Sức khỏe là gì?
Định nghĩa về “sức khỏe” theo tổ chức y tế thế giới (WHO): Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Đây là định nghĩa được sử dụng nhiều nhất, từ đó, giúp chúng ta ý thức được việc chăm sóc sức khỏe cần phải chú ý đến cả thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta cũng đã sớm nhận ra rằng sức khỏe có tầm quan trọng, và sức khỏe là sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đã có nhiều câu nói về sức khỏe, cách chăm sóc sức khỏe, sự liên quan của sức khỏe người dân với vận mệnh nước nhà như: “Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái thế mới là sức khỏe” (Báo Cứu quốc); “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân Y); “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân khỏe mạnh là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì quốc thịnh”…
Không chỉ có các khái niệm hiện đại mới nhắc đến sự toàn diện này, mà ngay từ xa xưa, trong các y văn cổ đã cho rằng, sức khỏe bao gồm sự “hòa” về khí huyết, tinh thần và khả năng thích nghi với hoàn cảnh.
Bệnh tật và nguyên nhân gây bệnh
Khi cơ thể chúng ta không đảm bảo được các yếu tố sống khỏe theo các định nghĩa, quan niệm như trên tức cơ thể không đảm bảo về sức khỏe và có bệnh tật.
Có nhiều tác nhân gây bệnh cũng như có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh như:
-
Tác nhân bên ngoài môi trường: Vi sinh vật, hóa học, vật lý, khí hậu, thời tiết…
-
Tác nhân bên trong cơ thể: Yếu tố di truyền, khả năng miễn dịch, các bệnh bẩm sinh, yếu tố tinh thần…
-
Các yếu tố nguy cơ: Lối sống không lành mạnh, ăn uống không điều độ, sử dụng chất kích thích (các yếu tố thay đổi được), tuổi cao, giới tính, chủng tộc… (các yếu tố không thay đổi được).
Trong trường hợp mà không xác định được nguyên nhân gây bệnh, thì coi là vô căn. Nhưng vẫn có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát sinh bệnh.
-
Ngoại nhân: Hoàn cảnh thiên nhiên (khí hậu, địa lý) ảnh hưởng đến con người qua Lục khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa.
-
Nội nhân: Hoàn cảnh xã hội gây ra những rối loạn về tâm lý xã hội qua Thất tình: vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ.
-
Bất nội ngoại nhân: Đàm ẩm, ứ huyết, ăn uống, lao động, sang chấn, tình dục…
Các nguyên nhân trên gây tổn thương tạng phủ, kinh lạc, khí huyết; làm mất cân bằng âm dương dẫn đến phát sinh bệnh tật. Hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại tác động vào con người nhưng bệnh tật chỉ xảy ra do sự thay đổi nội tại của con người, đó là sự giảm sút sức đề kháng, còn gọi là chính khí hư làm cơ thể không thích ứng được với ngoại cảnh. Chính khí hư thì tà khí mới xâm hại được, giống như vắng bảo vệ thì trộm mới lộng hành vậy.
Y học cổ truyền lấy học thuyết âm dương, ngũ hành, thiên nhân hợp nhất làm căn bản để giải thích cho tất cả các sự vật, hiện tượng xảy ra và mối liên quan giữa con người với thiên nhiên. Từ đó đưa ra các phương án dưỡng sinh, phòng bệnh và điều trị bệnh phù hợp với nguyên nhân gây ra.
Vai trò của đông y trong việc chăm sóc sức khỏe chủ động
Qua tìm hiểu về sức khỏe, bệnh tật và nguyên nhân gây bệnh cũng như thực trạng bệnh tật hiện nay với những con số đáng báo động đặt ra một yêu cầu cấp bách đối với mọi người phải biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, hạn chế những tác hại xấu từ môi trường và phòng tránh bệnh tật.
Y học cổ truyền có những phương pháp chăm sóc sức khỏe chủ động toàn diện với sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trị liệu, tập luyện thể chất và chế độ dinh dưỡng. Cụ thể như sau:
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Là những sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên có tác dụng tốt với sức khỏe, giúp phòng bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh, điều trị bệnh như: Thuốc (theo chỉ định của bác sĩ), thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, trà thảo dược, các sản phẩm khác (gối chườm thảo dược, ngâm tắm, ngâm châm, đắp mắt, đắp mặt…). Các bác sĩ, chuyên gia sẽ giúp mọi người lựa chọn được sản phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Trị liệu
Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề như ô nhiễm môi trường, căng thẳng mệt mỏi làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, phát sinh nhiều bệnh tật. Vì vậy, việc trị liệu để tăng sức khỏe, chống nhức mỏi, thông kinh lạc, ngủ tốt, giảm béo, xả độc tố… sẽ giúp nâng cao miễn dịch, phòng chống bệnh tật, tăng chất lượng cuộc sống.
Những bài trị liệu Việt được xây dựng từ những phương pháp, kỹ thuật trị liệu như: Xông, ngâm thảo dược; xoa bóp bấm huyệt; chườm nóng bằng đá trị liệu, túi thảo dược; đèn hồng ngoại; ẩm thực trị liệu… kết hợp với nhau thành một phương pháp toàn diện. Mỗi bài trị liệu có phương pháp xoa bóp bấm huyệt riêng, những công thức thảo dược dùng trong xông, ngâm, trà riêng sao thích hợp với tác dụng trị liệu của bài đó.
Ngoài ra, đối với mỗi vùng bị bệnh có thể trị liệu tại chỗ như đau lưng, đau mỏi vai gáy, đau đầu… việc xoa bóp, tập vận động, tác động cột sống, phục hồi chức năng sẽ làm giảm nhanh chóng các triệu chứng bệnh, làm tăng hiệu quả của liệu trình chữa bệnh.
Tập luyện thể chất
Tập luyện là phương pháp giúp củng cố “Tinh – Khí – Thần” phát huy nội lực giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chống đỡ với bệnh tật.
Các phương pháp luyện như tập thở, vận khí, tập thể lực… có tác dụng tăng cường công năng tạng phủ, bớt tư lự, giảm ham muốn, điềm đạm hư vô mà đạt được sự sung mãn của tinh để hóa khí, khí sung mãn để hóa thần, thần sung mãn để hoàn hư.
Một số phương pháp tập luyện sẽ giúp tăng cường sức khỏe:
-
Tập thể dục thể thao: Lựa chọn môn thể dục thể thao phù hợp với khả năng và tình trạng sức khỏe của mình. Có thể tự luyện tập hoặc tốt nhất là tham gia những lớp học, những câu lạc bộ để có môi trường tập luyện tốt nhất.
-
Tập thiền: Ngoài vận động thể lực, việc tập thiền cũng rất quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mỗi ngày nên dành 10 – 30 phút để ngồi thiền. Tuy nhiên, việc ngồi thiền không quan trọng thời gian bao lâu mà quan trọng là thiền với tâm thư giãn, hư vô. Tư thế khi thiền là ngồi hoa sen, lưng thẳng ngay ngắn, chân xếp bằng, hai bàn tay đặt lên hai đầu gối.
-
Tập thở: Là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở 4 thì. Trong khi tập luyện cần phải điều hòa hơi thở theo động tác dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên.
Dinh dưỡng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong việc chăm sóc sức khỏe.
Chọn chất dinh dưỡng đúng, nghĩa là chọn lựa nhiều thức ăn thuộc nhiều nhóm thực phẩm tuỳ vào văn hoá và sở thích của mỗi cá nhân, miễn sao đáp ứng đủ nguồn năng lượng theo yêu cầu. Mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, tỷ lệ carbohydrate – protein – lipid cũng cần phải cân đối, các vi chất cần bổ sung, các chất cần hạn chế. Dựa vào các chỉ số BMI, BMR, TDEE cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại mà mỗi người nên có chế độ ăn với tỷ lệ các chất dinh dưỡng phù hợp. Điều quan trọng nhất trong việc xây dựng bữa ăn đó là lựa chọn nguồn thực phẩm.
Đối với từng loại bệnh lý lại cần có chế độ ăn khác nhau, nhất là các bệnh liên quan đến chuyển hóa, tăng huyết áp, tim mạch, thận… bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn ăn uống của thầy thuốc hoặc chuyên gia.
Nước rất quan trọng đối với sự sống, mọi sinh vật trên trái đất đều cần đến nước. Con người không chỉ cần nước để duy trì hoạt động sống của cơ thể mà nước còn phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng nước đúng cách sẽ giúp chúng ta có được sức khỏe tốt và có sự trường thọ. Uống nước là cần thiết, nhưng cần đúng cách để có được sức khỏe tốt. Đi đôi với chế độ ăn khoa học, chúng ta cần phải có phương pháp uống nước đúng cách.
Y học cổ truyền còn có những món ăn bài thuốc, thức uống từ thảo dược giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuan Đường