Tiết Mang chủng tới, giữa mùa hạ cũng bắt đầu. Tiết Mang chủng, mặt đất dương nhiệt đã đầy, khí huyết vượng với kinh Tâm. Dương khí dần phù thịnh, âm khí nội tàng, cho nên người ta thường thường sẽ cảm thấy cả người mệt mỏi, phiền lòng, tim đập nhanh, đêm ngủ mơ nhiều.
Người xưa canh tác theo 24 tiết khí, qua tiết Mang chủng liền không nên trồng ngũ cốc nữa. Chúng ta dưỡng sinh cũng nên phối hợp theo mùa, thuận ứng khí thiên địa, như vậy điều dưỡng cơ thể có thể làm ít mà công to. Chào đón mùa hè nóng nực với một cơ thể và tinh thần sảng khoái, thư thái.
Tiết Mang chủng dưỡng sinh mấu chốt là thanh tâm hỏa, khử thấp khí, kiện tỳ thổ. Gợi ý cho quý bạn đọc một vài công thức canh, trà, nước giải khát chuẩn
đông y và dưỡng sinh phù hợp với tiết khí Mang chủng và ngày hè nóng bức này.
Canh thực dưỡng kinh điển tiết Mang chủng: Canh thanh tâm
Chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn bao gồm: Khổ qua 1 quả, xương lợn 500g, bí đao 500g, đậu tương 500g, long nhãn nhục 10 quả, gừng tươi 5 lát.
Xương lợn sau khi rửa sạch, trần qua nước sôi rồi đổ nước đi. Sau đó cho các nguyên liệu còn lại đã rửa sạch, thái khúc vừa ăn vào, nấu nhỏ lửa cùng nhau. Hầm từ 2-3 tiếng sau, thêm muối, gia vị cho vừa ăn (ưu tiên ăn nhạt một chút) rồi tắt bếp, để nguội vừa rồi ăn.
Khổ qua (mướp đắng), bí đao có tác dụng thanh nhiệt giải thử. Hoàng đậu thang kiện tỳ, tiêu nhiệt, tiêu thủy; dân gian cũng thường dùng thường dùng canh đậu nành đường phèn hạ sốt cho trẻ nhỏ. Long nhãn nhục bổ khí, dưỡng tâm huyết mà tính hơi ôn, cho nên canh này sẽ không bị mát lạnh, cả nhà đều có thể ăn. Canh xương lợn nấu thơm thanh mát, thịt săn chắc. Mùa hè mà không ăn uống được thì nên làm một bát canh này, thấy thoải mái nhẹ nhàng.
Thang sơn dược liên tử để khư thấp, kiện tỳ
Chuẩn bị nguyên liệu nấu bao gồm: Liên tử 15g, phục linh 10g, ý dĩ sao 10g, hoài sơn 15g,
trần bì 8g.
Đun các nguyên liệu này trong nước ít nhất 15 phút uống thay trà.
Phục linh, ý dĩ phụ trách khư thấp. Sau khi trừ thấp cần chú ý kiện tỳ, nếu không rất dễ làm tổn thương chính khí. Liên tử tính bình, có công năng ninh tâm dưỡng thần, kiện tỳ chỉ tả. Hoài sơn, trần bì kiện tỳ bổ khí, sau khi thanh lý hóa thấp khí trợ tỳ khí khôi phục vận hành. Thang này thuộc tính bình hòa, thích hợp cho hầu hết các loại thể chất, bẩm tố.
Toan mai thang
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: Ô mai 20g,
sơn tra 12g, nụ hoa hồng 6g, trần bì 6g, cam thảo 6g (có thể cho thêm quế hoa và đường phèn vừa uống).
Đun các nguyên liệu này trong nước ít nhất 30 phút uống thay trà.
Toan mai thang có công dụng: Sinh tân dịch, giải khát trừ phiền, giải thử khát. Trong đó có vị chua có tác dụng thúc đẩy tân dịch và dịch vị tiết ra kích thích cảm giác thèm ăn, tiêu hóa được dễ dàng hơn. Thang thường để bồi bổ cơ thể, giải khát rất tốt, dùng để chữa cảm sốt, tiêu khát, khô họng… đặc biệt thích hợp uống vào mùa hè.
Sơn tra mạch đông ẩm
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: Sơn tra 10g, mạch môn đông 10g (có thể thêm đường phèn vừa phải cho dễ uống).
Sắc lấy nước để nguội uống.
Thức uống này có công năng kiện tỳ hòa vị, sinh tân chỉ khát, bổ âm thanh nhiệt. những ai vào mùa hè ra mồ hôi quá độ, ăn kém ngon miệng, mệt mỏi, ngại vận động rất thích hợp dùng thang này.
Quyết minh tử thanh lương ẩm
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: Quyết minh tử 15-30g, sao vàng.
Sắc lấy nước, để nguội uống.
Nước sắc quyết minh tử sao có công năng khư phong tán nhiệt, thanh can minh mục, lợi thủy thông tiện. Rất thích hợp dùng cho bệnh nhân cao huyết áp, nhị tiện bí, đau mắt đỏ, đồng thời cũng có tác dụng phòng ngừa viêm kết mạc cấp trong mùa hè.
Cúc hoa phong mật ẩm
Chuẩn bị nguyên liệu và cách nấu: Cúc hoa khô 50 gam, đun sôi cùng 2 lít nước, rồi thêm 250 gam mật ong, khuấy tan. Để nguội, bảo quản tủ lạnh dùng dần.
Đây là loại nước thơm ngon, dễ uống, dùng giải khát ngày hè, còn giúp thanh can minh mục, kiện tỳ nhuận phế.
Ô mai bạc hà ẩm
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: Ô mai 10g, bạc hà 10g.
Thêm nước đun sôi ít nhất 30 phút, để nguội, thêm ít đường phèn, khuấy đều uống.
Sau khi uống thấy mát mẻ, tinh thần thoải mái, thư thái, tăng cảm giác thèm ăn.
Trà bí đao vỏ quýt
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: Bí đao to 1,5 kg, đường nâu 200 gam (đường khoảng 1/8 lượng bí đao là được), 2 miếng trần bì nguyên (vỏ 2 quả).
Bí đem về rửa sạch, cạo qua lớp lông còn lại giữa nguyên cả vỏ và ruột, cắt hạt lựu để dễ dàng ướp và nấu. Đổ đường nâu vào đảo đều, ướp với bí đao rồi đun tầm 30 phút cho bí chín và tiết ra nhiều nước nguyên chất. Tiếp đó lại ấy 2 miếng trần bì (giúp ôn hòa vị) đã chuẩn bị vào ngâm với nồi bí nửa giờ (không cần thêm nước). Đun sôi thì cho lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo hỗn hợp cho thấm đều và tiết hết nước, khoảng 40 phút, sao cho miếng bí chuyển màu trong là được. Sau đó chắt nước (vắt kỹ bã bí để không bỏ phí nước) rồi bảo quản trong lọ thủy tinh dùng dần.
Mỗi lần dùng khoảng 2 thìa nước cốt bí, cho thêm vài lát chanh, thêm nước là uống được. Nước có vị thanh, mùi thơm, không chỉ có vị ngọt như nước đóng sẵn.
BS. Tú Uyên (Thọ Xuân Đường)