Hiện nay, có rất nhiều người, không chỉ là những người già mà ngay cả nhiều người trẻ tuổi cũng than phiền về trí nhớ của mình. Khi đối mặt với những triệu chứng suy giảm trí nhớ, hầu hết mọi người đều lo lắng khi sợ rằng tình trạng này sẽ tiến triển nặng hơn và dẫn đến mất trí nhớ. Điều này cũng có thể xảy ra nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu chúng ta hiểu biết về vấn đề này.
Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ hay còn được gọi là chứng hay quên là tình trạng kém dần của trí nhớ và nhận thức do sự suy thoái không ngừng của não bộ, nếu không có biện pháp cải thiện tình trạng sẽ càng dần trầm trọng có thể dẫn đến
sa sút trí tuệ, Alzheimer’s.
Nguyên nhân gây ra giảm trí nhớ
Để hình thành trí nhớ cần qua 3 quá trình:
-
Ghi nhận thông tin;
-
Lưu trữ thông tin;
-
Tìm kiếm - truy xuất thông tin.
Trí nhớ suy giảm có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn của 3 tiến trình kể trên.
Do tuổi cao
Sau tuổi 25, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị chết đi mà không có sự sinh sản thêm. Theo thời gian, não bộ của chúng ta sẽ trải qua quá trình lão hóa dẫn đến hiện tượng “quên”, làm mất dần tính khôi hài trong giao tiếp, tốc độ suy nghĩ chậm dần, quên sự việc mới xảy ra mặc dù vẫn nhớ sự việc đã rất lâu trong quá khứ.
Do căng thẳng, stress, trầm cảm
Căng thẳng, stress, áp lực trong công việc, học tập sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do, chúng tấn công làm tổn thương, thậm chí chết các tế bào thần kinh và thoái hóa não bộ. Khi đó, trí nhớ sẽ giảm dần và các chức năng của não bộ cũng bị rối loạn.
Do rối loạn giấc ngủ
Hoạt động ngủ giúp cơ thể thư giãn, phục hồi và nghỉ ngơi sau thời gian học tập và làm việc vất vả cả ngày. Quá trình lưu trữ thông tin thường sẽ diễn ra trong giấc ngủ. Do vậy nếu chất lượng giấc ngủ kém khiến não bộ khó giải phóng được các “độc chất” và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn, dẫn đến tình trạng nhớ nhớ quên quên, chậm chạp trong sinh hoạt hằng ngày và giải quyết vấn đề kém.
Do mất cân bằng nội tiết ở phụ nữ sau sinh
Trong 6 tháng cuối thai kỳ, nồng độ estrogen của phụ nữ sẽ tăng cao, và sau đó giảm dần trong 3 tháng cuối và tiếp tục giảm trong 3 tháng sau sinh. Sự rối loạn này có tác động mạnh mẽ lên não bộ, dẫn đến rối loạn hoạt động cơ bản của các tế bào thần kinh ở não, trong đó có các trung khu có chức năng ghi nhớ, xử lý thông tin. Do đó, chị em hay có hiện tượng “não cá vàng” sau khi sinh con.
Do dùng thuốc
Theo các nghiên cứu y học cho thấy trí nhớ dài hạn của con người có liên quan đến chức năng của Acetylcholin, trong khi đó trí nhớ ngắn hạn (gồm trí nhớ tức thì và trí nhớ gần) có liên quan đến vùng trán của vỏ não, đây là vùng tập trung các thụ thể Dopaminergic. Như vậy những loại thuốc gây ức chế acetylcholine sẽ có khả năng gây suy giảm trí nhớ dài hạn trong khi đó các loại tổn thương vùng trán sẽ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn.
Do chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn nhiều đường và dầu mỡ sinh ra các gốc tự do trong quá trình chuyển hoá khiến não bộ dễ bị “ăn mòn”, hoặc ăn uống không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết (như sắt, các vitamin nhóm B,…) sẽ gây thiếu máu, oxy không đủ để bơm lên não, giảm dẫn truyền thần kinh sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ.
Do một số bệnh lý
Suy giảm trí nhớ có thể là hệ lụy của một số bệnh lý như viêm não, chấn thương sọ não, đột quỵ,…Các căn bệnh liên quan đến cơ xương khớp, tim mạch, tuần hoàn như thoái hóa cột sống cổ, thiếu máu não,…khiến cho lượng máu cần thiết để sự nuôi dưỡng não bộ không được đảm bảo. Điều này càng làm gia tăng sự thoái hóa của các tế bào thần kinh trong não bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ.
Khi chức năng gan, thận bị suy giảm, trí nhớ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Dấu hiệu và triệu chứng suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, tình trạng sức khỏe khác và chức năng nhận thức của người đó trước khi bị bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến chứng suy giảm trí nhớ có thể được hiểu theo ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu: giai đoạn đầu của chứng suy giảm trí nhớ thường bị bỏ qua vì khởi phát từ từ. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
-
Hay quên;
-
Mất dấu thời gian;
-
Trở nên lạc lõng ở những nơi quen thuộc.
Giai đoạn giữa: khi chứng suy giảm trí nhớ tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn và có thể bao gồm:
-
Trở nên quên các sự kiện gần đây và tên của mọi người;
-
Trở nên bối rối khi ở nhà;
-
Gặp khó khăn ngày càng tăng với giao tiếp;
-
Cần giúp đỡ chăm sóc cá nhân;
-
Thay đổi hành vi, bao gồm đi lang thang và đặt câu hỏi lặp đi lặp lại.
Giai đoạn muộn: giai đoạn cuối của suy giảm trí nhớ là giai đoạn gần như hoàn toàn phụ thuộc và không hoạt động. Rối loạn trí nhớ nghiêm trọng và các dấu hiệu cũng như triệu chứng thể chất trở nên rõ ràng hơn và có thể bao gồm:
-
Trở nên không biết về thời gian và địa điểm;
-
Gặp khó khăn trong việc nhận ra người thân và bạn bè;
-
Có nhu cầu tự chăm sóc được hỗ trợ ngày càng tăng;
-
Gặp khó khăn khi đi bộ;
-
Trải qua những thay đổi hành vi có thể leo thang và bao gồm cả sự gây hấn.
Hậu quả của suy giảm trí nhớ
Trí nhớ bị giảm sút không chỉ làm giảm năng suất, hiệu quả công việc mà còn gây nhiều bất tiện cho cuộc sống và những hệ lụy về sức khỏe.
Thống kê cho thấy 50% các trường hợp suy giảm trí nhớ sẽ diễn tiến thành hội chứng sa sút trí tuệ. Trong đó các chứng bệnh thường gặp là Alzheimer, Parkinson…khiến người bệnh khó minh mẫn và giảm khả năng vận động. Bệnh diễn tiến xấu dần và bệnh nhân sẽ mất dần khả năng tư duy cũng như tự chăm sóc cá nhân, cuối cùng dẫn đến tử vong. Không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, suy giảm trí nhớ còn còn gây ảnh hưởng đến gia đình và toàn xã hội.
Chẩn đoán suy giảm trí nhớ
Cho tới thời điểm hiện tại chưa có một xét nghiệm đơn độc nào có thể chẩn đoán suy giảm trí nhớ, chẩn đoán bệnh chủ yếu vẫn dựa vào lâm sàng. Các bác sĩ thực hiện các bài kiểm tra nhận thức, thường kéo dài vài giờ, để xác định các kiểu suy giảm chức năng liên quan đến các loại suy giảm trí nhớ khác nhau.
Một số xét nghiệm được áp dụng trong việc chẩn đoán chứng mất trí nhớ, bao gồm:
-
Xét nghiệm máu được thực hiện để phát hiện các nguyên nhân có thể điều trị được. Chúng bao gồm các xét nghiệm về vitamin B1, B12, axit folic, hormone kích thích tuyến giáp (TSH), protein phản ứng C, công thức máu đầy đủ, chất điện giải, canxi, chức năng thận và men gan. Những bất thường có thể gợi ý tình trạng thiếu vitamin, nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác thường gây nhầm lẫn hoặc mất phương hướng ở người cao tuổi;
-
Quét não (CT hoặc MRI) để có thể tìm thấy não úng thủy áp suất bình thường, một nguyên nhân có khả năng hồi phục của chứng suy giảm trí nhớ hoặc khối u liên quan. Các bản quét cũng có thể mang lại thông tin liên quan đến các loại suy giảm trí nhớ khác, chẳng hạn như nhồi máu (đột quỵ) sẽ chỉ ra một loại sa sút trí tuệ mạch máu. Các xét nghiệm này không phát hiện những thay đổi trao đổi chất lan tỏa liên quan đến chứng mất trí nhớ ở một người không có vấn đề gì nghiêm trọng về thần kinh (chẳng hạn như tê liệt hoặc yếu) khi khám thần kinh;
-
Chụp X-quang để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ;
-
Điện não đồ (EEG);
-
Chọc dò tủy sống giúp phân tích dịch tủy sống.
Các biện pháp phòng ngừa suy giảm trí nhớ
Để cải thiện từ gốc suy giảm trí nhớ, người bệnh cần kết hợp nhiều khía cạnh bao gồm: điều trị các bệnh lý liên quan (nếu có), điều chỉnh các vấn đề tâm lý, thay đổi lối sống, dinh dưỡng khoa học, kiểm soát yếu tố nguy cơ. Trong đó, loại bỏ yếu tố nguy cơ có nghĩa rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiến triển, lại có ý nghĩa phòng ngừa rất lớn.
Ngủ đủ giấc
Rèn luyện thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Để có giấc ngủ ngon bạn cần thiết lập đồng hồ sinh học cho giấc ngủ, phòng ngủ êm ái, nhiệt độ thích hợp, hạn chế tiếng ồn,… Ngoài ra, chế độ ăn uống khoa học, không ăn bữa tối quá no hoặc ăn đồ khó tiêu, không sử dụng chất kích thích cũng là yếu tố quan trọng để giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Hạn chế căng thẳng, stress quá độ
Đây là yếu tố nguy cơ rất lớn gây suy giảm trí nhớ. Cần sắp xếp công việc, học tập khoa học, không ôm đồm. Cố gắng loại bỏ các áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, giữ tinh thần lạc quan nhất có thể. Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, hoạt động cùng hội nhóm sẽ giúp bạn tăng tương tác xã hội, vận động cơ thể và giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Có thể thực hiện thiền hoặc yoga để cải thiện tâm trạng, lưu thông mạch máu để giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.
Luyện tập thể thao
Đây là cách tốt nhất để thúc đẩy hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng cho não bộ. Việc tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc ở cường độ cao 75 phút một tuần giúp giữ cho trí nhớ của bạn luôn nhạy bén.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất, đa dạng là điều quan trọng để cải thiện trí nhớ. Trong đó, não bộ cần đủ lượng protein, vitamin và khoáng chất nhất định để hoạt động và phát triển. Hạn chế đồ ăn nhiều đường, chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có ga, thuốc lá,…
Rèn luyện trí nhớ
Bạn có thể chơi các trò chơi trí tuệ, giải câu đố, chơi cờ tướng, cờ vua, học một ngôn ngữ mới,… sẽ giúp rèn luyện khả năng ghi nhớ và tăng cường sự bền bỉ cho các tế bào thần kinh.
Bổ sung chất chống gốc tự do để kiểm soát suy giảm trí nhớ
Gốc tự do là nguyên nhân hàng đầu khiến các tế bào thần kinh tổn thương và nhanh thoái hóa. Các nghiên cứu đã chứng minh, việc bổ sung các chống gốc tự do thiên nhiên có tác dụng ngăn chặn những đợt tấn công của độc chất này lên các tế bào thần kinh, phục hồi các chức năng của não, từ đó giúp cải thiện trí nhớ.
Nếu bạn nghĩ bản thân hoặc người thân của mình có thể bị suy giảm trí nhớ hãy đưa họ đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ có lợi cho người bệnh, bao gồm giải thích các triệu chứng, tiếp cận điều trị, cho lời khuyên và hỗ trợ, cho phép người bệnh chuẩn bị tương lai và các kế hoạch.
Để được chẩn đoán và tư vấn về bệnh suy giảm trí nhớ, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ đặt lịch khám bệnh qua Hotline: 0943986986 – 0937638282 hoặc kênh
khám bệnh trực tuyến miễn phí qua video trên zalo SĐT 0943406995 của nhà thuốc Đông Y gia truyền Thọ Xuân Đường. Nhân viên tư vấn sẽ cung cấp cho quý khách hàng những thông tin chi tiết hơn về các dịch vụ y tế của nhà thuốc.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)