Người cao tuổi nên ăn gì vào mùa đông?

Mùa đông, trời hàn đất lạnh, người cao tuổi muốn bảo vệ sức khỏe thì phải thuận theo lẽ của tự nhiên. Muốn tránh nhiễm phải khí hàn lạnh thì cơ thể cần ôn ấm, cần được bồi bổ, thu liễm phần dương bảo hộ phần âm để hợp với đạo “dưỡng tàng”. Mùa đông, dưỡng sinh trong ăn uống của người cao tuổi có thể căn cứ vào nhu cầu thể chất và bệnh tật. Có sự tuyển chọn những vị thuốc và thực phẩm như các loại đông trùng hạ thảo, thịt dê, rau hẹ,…làm ôn ấm thân thể, phòng trừ hàn khí, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc cho sức khỏe trong những năm tiếp theo.

Nguyên tắc dưỡng sinh trong ăn uống mùa đông

Mùa đông khí hậu hàn lạnh, đối với người cao tuổi thể chất suy nhược mà nói thì đây là một mùa có khí hậu khá khó chịu. Mùa đông ở đây, ngoài việc bảo hộ ôn ấm, tránh hàn lạnh ra thì việc ăn uống cũng nên coi trọng.

Nguyên tắc 1: bình hành ẩm thực, sơ thông huyết quản

Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, gầy mòn, suy nhược, ví dụ như người cao tuổi mắc các bệnh viêm khí quản mạn tính, phế khí thũng, bệnh ung bướu…, ẩm thực nên kiên trì dùng các đồ ăn thanh đạm, mềm, ấm, chú ý ăn nhiều trứng gà, những thực phẩm có nhiều vitamin. Bệnh nhân mắc các bệnh về phổi thì nên ăn tăng các loại thực phẩm kiện Tỳ lý khí, bổ Phế ích Thận, chỉ khái hóa đàm như: Lê, Quýt, Bách hợp, Bạch quả, Hạnh nhân, mật ong, phổi lợn….cân bằng ẩm thực tức nên tránh để tăng cân quá mức, việc không kiểm soát được cân nặng rất dễ phát sinh nhiều loại bệnh tật như: bệnh mạch não, bệnh mạch vành, bệnh nội tiết chuyển hóa, mà trong số đó người cao tuổi chiếm tỷ lệ rất cao; vì thế cho nên, người cao tuổi càng phải chú ý hơn trong việc cân bằng ăn uống, dự phòng béo phì, hạn chế đường và chất béo, hạn chế ăn quá muộn. Cố gắng giảm lượng chất béo tích tụ, tích cực ăn các thực phẩm sạch, tươi sống, rau củ quả, ăn tăng các thức ăn thô, vitamin, thức ăn nên được thay đổi đa dạng, ăn tăng các thực phẩm hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc như thịt rắn, gà đen, mộc nhĩ, lươn, cá trạch…
Mùa đông hàn lạnh, huyết quản trong cơ thể con người gặp hàn rất dễ bị co rút, co rút dẫn đến tăng huyết áp, động mạch trở nên cứng hơn, phát sinh chứng trúng phong. Do vậy, vẫn có thể lựa chọn các loại thực phẩm sơ thông huyết quản như Tam thất, Xuyên khung, Đương quy, Đan sâm, Ngưu tất, Đào nhân...

Nguyên tắc 2: ôn bổ Thận dương, kiện Vị ích Tỳ

Mùa đông là mùa mà đa số các loài sẽ trở về trạng thái tiềm tàng, ngủ đông. Thu đi đông đến, nhiệt độ môi trường giảm xuống, đồng thời công năng sinh lý con người cũng giảm thiểu, dương khí dần suy, đối với năng lượng và sự doanh dưỡng sẽ yêu cầu tương đối cao, lúc này người cao tuổi càng phải nên coi trọng vấn đề ẩm thực.
  • Một là, coi trọng vấn đề ổn bổ Thận dương. Đông y có câu “ Hư tắc bổ chi”,” Hàn tắc ôn chi”,”Dược bổ bất như thực bổ”. Như vậy, người cao tuổi cần coi trọng việc điều lý ẩm thực, ngày mùa đông thường nên ăn những loại ôn bổ Thận dương, có tính nhiệt, ăn nhiều trứng gà, các loại cá, các loại đậu, thịt chó, hoa tiêu…
  • Hai là, uống canh ấm, nước ấm, trừ hàn ấm Vị. Mùa đông nên ăn những loại hạt như hạt Óc chó, hạt Hạnh nhân, Vừng, hạt Sen, hạt Thông, hạt Đậu phộng…. những loại hạt này đều có khả năng kiện Tỳ Vị, lợi đường tiêu hóa, nhuận phế, bổ não, đối với người cao tuổi sẽ vô cùng hữu ích.
Ngoài ra, những thực phẩm này còn có hàm lượng cao các nguyên tố vi lượng và chất béo không bão hòa, có khả năng xúc tiến sự chuyển hóa Cholesterol, giảm thiểu sự lắng đọng trên các thành mạch máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, thường xuyên ăn còn có thể phòng chống được các bệnh ngoài da, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão suy.

<<Hoàng Đế Nội Kinh>> giảng giải yếu điểm ẩm thực mùa đông

Mùa đông, khí trời hàn lạnh, hàn tà rất dễ làm thương Thận dương. Dưỡng sinh trong đông y nhận thức rằng, mùa đông thích hợp để ôn bổ, người cao tuổi dưỡng sinh nên bắt đầu từ sáu phương diện sau: “Dưỡng Thận tàng tinh”, “Bổ hư tráng dương”, “Tuyên Phế tán hàn”,”Nhu dưỡng Tỳ Vị”,”Khứ ứ hộ Tâm”,”Ôn kinh thông mạch”, làm nền tảng cơ sở để điều chỉnh kết cấu ẩm thực.

Dưỡng Thận, tàng tinh, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể

Mùa đông là mùa mà vạn vật trong thế giới tự nhiên bắt đầu thời kỳ nghỉ dưỡng, giảm thiểu mọi hoạt động, có một số loài sẽ bắt đầu thời kỳ ngủ đông của chúng. Đồng thời cũng là thời điểm hàn tà xâm chiếm, bao trùm, cây cối tiêu điều, khô xác. Đông y nhận biết được rằng “ Thận nguyên trấp tàng”, có nghĩa Thận là cái gốc của sự phong tàng, mà Thận chủ tàng tinh, Thận tinh bí tàng thì tinh thần của con người khỏe mạnh. Nếu như Thận tinh ngoại tiết thì con người dễ bị tà khí xâm nhập mà gây nên bệnh tật.
Vậy làm thế nào để bồi bổ Thận tinh?
  • Một là làm cho nó “tàng” (dự trữ), không được để cho nó “lậu” (mất đi)
  • Hai là cần bắt đầu từ phương diện ẩm thực để nâng cao triệt để khả năng, tỷ lệ chuyển hóa đồ ăn, thức uống thành “tinh”, bồi bổ cho não tủy, cốt tủy.
Những thực phẩm, vị thuốc có khả năng dưỡng Thận, tàng tinh như: Hoàng tinh, Thục địa, hạt Óc chó, Đậu đen, Quy bản, hạt Dẻ, chim Cút, chim Bồ câu…

Bổ hư tráng dương, thúc đẩy hoạt động, công năng sinh lý của các tạng phủ

Mùa đông thuộc thủy, khí ấy thuộc hàn, thông ở Thận, khí hàn tà dễ làm thương dương khí. <<Tố Vấn - Thiên điều kinh luận>> viết: “Dương hư tắc ngoại hàn” tức là, dương khí trong cơ thể con người bất túc, vệ biểu bất cố, sẽ xuất hiện các triệu chứng sợ hàn, sợ lạnh, chân tay không ấm, mà hàn tà trúng thương Thận dương, làm cho dương khí của tạng Thận suy nhược, khiến cho cơ thể xuất hiện các triệu chứng như lưng gối đau mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, mất ngủ, ngủ hay mơ màng, nam giới suy giảm khả năng sinh dục, di tinh, nữ giới bụng dưới lạnh, hay đau, khó có con… Cho nên, dưỡng sinh trong ăn uống mùa đông cần chú trọng bổ hư tráng dương, nên dùng các loại thực phẩm có tính ôn bổ làm chủ, dưỡng dương làm gốc.
Những thực phẩm, vị thuốc có tác dụng bổ hư tráng dương như: Đông trùng hạ thảo, Đỗ trọng, Nhục thung dung, Hải sâm, thịt Dê, rau Hẹ, cá ngựa …
Những thực phẩm có khả năng ôn kinh, thông mạch: Uy linh tiên, Địa long, Độc hoạt, Hồ tiêu, Hoa tiêu, thịt chó…

Tuyên phế tán hàn, làm cho khí huyết Tâm Phế điều hòa

Chủ khí mùa đông là hàn, hàn tà xâm nhập vào thân thể dẫn đến bệnh. <<Tố Vấn – Khái luận>> viết: “Bì mao giả Phế chi hợp dã, bì mao tiên thụ tà khí, tà khí dĩ tùng kỳ hợp dã. Kỳ hàn ẩm thực nhập Vị, tòng Phế mạch thượng chí ư Phế, tắc Phế hàn, Phế hàn tắc ngoại nội hợp tà, nhân nhi khách chi tắc vi Phế khái” (tạm dịch: phần bì mao hợp lại ở Phế, bì mao là bộ phận phạm phải tà khí trước tiên, tà khí theo con đường đó mà tiến sâu sơn. Ăn phải thức ăn sống lạnh, sẽ đi theo Phế mạch đi lên đến Phế, dẫn đến phế hàn do tà khí từ trong và ngoài hợp lại, từ đó hình thành chứng ho). Hàn tà phạm vào tạng Phế có thể khiến cơ thể xuất hiện các triệu chứng như ho, suyễn, đờm loãng sắc trắng, người hàn chân tay lạnh, lưỡi đạm, rêu trắng, mạch trì hoãn…. Về phương diện ẩm thực có thể ăn nhiều tỏi, ẩm thực dưỡng phế còn nên ăn các loại như Hạnh nhân, Cam thảo, Ngô, Đậu vàng, Đậu đen, rau thơm, da lợn, Xuyên bối, quả Lê… Ngoài ra, vẫn cần chiếu cố đến thể chất của từng người, cân nhắc công năng trường vị để dùng lượng cho thích hợp.
Những thực phẩm, vị thuốc có khả năng tuyên phế tán hàn: Hạnh nhân, Cam thảo, Ngô, Đậu vàng, rau thơm,…

Nhu dưỡng Tỳ Vị để sinh khí huyết tân dịch

Tỳ vị là nơi tiếp nhận thức ăn và tiêu hóa chúng, chuyển những chất tinh vi của đồ ăn, thức uống thành khí huyết, tân dịch, phân bố chúng đến các cơ quan, tổ chức trong toàn cơ thể. Đảm bảo hoạt động công năng bình thường, duy trì năng lượng đầy đủ của các cơ quan tổ chức. <<Tố vấn – Lục tiết tạng tượng luận>> nói: “Tỳ, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang, thương lẫm chi bản, doanh chi cư dã, danh viết khí, năng hóa tao bách, chuyền vị nhi nhập xuất giả dã” (tạm dịch: Tỳ, vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang là nơi chứa đựng, là nơi ở của doanh khí, nên viết là “khí”, có khả năng hóa thành chất cặn bã, có khả năng chuyền đẩy ra vào).
Những thực phẩm, vị thuốc có khả năng nhu dưỡng Tỳ, Vị như: Đại mạch, Kê nội kim, Thần khúc, cải trắng, Hoài sơn…

Mách bạn một số món ăn bài thuốc dưỡng sinh mùa đông

Thận khí ô kê thang

Nguyên liệu:
  • Sơn thù du 10g
  • Mẫu đơn bì 10g
  • Phục linh 10g
  • Trạch tả 10g
  • Thục địa 15g
  • Hoài sơn 15g
  • Ngưu tất 8g
  • Đùi gà đen 1 chiếc
  • Gia vị vừa đủ
Cách làm: lấy đùi gà đem rửa sạch, chặt khúc, đun sôi, hớt bọt bỏ đi. Lấy đùi gà đã luộc cùng với các vị thuốc trên cho vào nồi, gia thêm nước sâm sấp mặt. Đun lửa lớn, sau đó chuyển sang lửa nhỏ hầm trong khoảng trên dưới 40 phút, nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn là được.
Công dụng: tư âm bổ Thận, ôn trung kiện Tỳ.

Quy bản Đỗ trọng Trư vĩ thang

Nguyên liệu:
  • Quy bản 25g
  • Sao đỗ trọng 30g
  • Trư vĩ (đuôi lợn) 600g
  • Gia vị vừa đủ
Cách làm: đuôi lợn rửa sạch, cắt đoạn, trần qua nước sôi, rửa lại 1 lần. Quy bản, Đỗ trọng rửa sạch, cho những thứ nguyên liệu trên vào nồi, gia thêm 6 bát nước, đun to lửa, sau đó vặn nhỏ lửa hầm thêm 40 phút nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Công dụng: làm giảm triệu chứng lưng gối đau mỏi, ù tai, nghe kém.

Canh Câu kỷ, Hồng táo nấu chim Cút

Nguyên liệu:
  • Chim chút 2 con
  • Câu kỷ tử 10g
  • Hồng táo 7 quả
  • Rượu, muối vừa đủ
Cách làm: chim Cút rửa sạch, chặt miếng, trần qua nước sôi; Câu kỷ tử, Hồng táo bỏ hạt dùng nước ấm tẩm cho thấm, mềm; lấy những nguyên liệu trên cho thêm 1 bát rưỡi nước sôi đổ vào nồi hầm, cho thêm rượu đun nhừ rồi nêm gia vị vừa đủ là được.
Công dụng: bổ Tỳ ích khí, an thai.

Hoàng tinh nấu gân bò hạt sen

Nguyên liệu:
  • Hoàng tinh 10g
  • Hạt sen 15g
  • Gân bò 500g
  • Gừng, muối vừa đủ
Cách làm: hạt Sen, Hoàng tinh, Gừng rửa sạch, thái lát; gân bò cắt thành từng miếng, cho nước sôi trần qua; cho vào nồi rồi đổ thêm nước sôi, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị bên trên vào đun trong 2 tiếng, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Công dụng: bổ Thận, mạnh gân cốt.

Cháo Hoài sơn đậu đen

Nguyên liệu: 
  • Hoài sơn 30g
  • Ý dĩ 30g
  • Gạo tẻ 60g
  • Đậu đen, hành lá, muối lượng vừa đủ.
  • (Có thể cho thêm Ngô nếu muốn)
Cách làm:
Gạo tẻ, Ý dĩ, Đậu đen rửa sạch; Hoài sơn bỏ vỏ, rửa sạch cắt thành hạt lựu, hành cũng thái nhỏ; cho thêm nước và tất cả các nguyên liệu trên vào nồi, đun đến khi gao tẻ nhừ, sau đó cho Hoài sơn vào nồi cháo đã nấu ninh đến khi Hoài sơn nhừ là được, cho thêm muối và hành hoa vào cho vừa ăn. 
Công dụng: cải thiện tình trạng tóc bạc sớm.

Cháo hạt Dẻ, Câu kỷ

Nguyên liệu:
  • Hạt dẻ 200g
  • Câu kỷ tử 10g
  • Gạo tẻ 100g
  • Muối vừa đủ
Cách làm: rửa gạo và Câu kỷ tử với nước sạch. Cho nước vào nồi rồi cho thêm hạt dẻ, gạo tẻ ninh đến khi thành cháo. Rắc Câu kỷ tử lên trên, cho thêm muối cho vừa ăn là được.
Công dụng: hỗ trợ cho các chứng Can Thận khuy hư dẫn đến lưng gối đau mỏi, người thường xuyên mệt mỏi, chân tay vô lực.

Canh Đỗ trọng nấu thịt bò

Nguyên liệu: 
  • Đỗ trọng 20g
  • Câu kỷ tử 15g
  • Thịt bò 500g
  • Rượu nếp 
  • Gừng thái lát
  • Hành cắt đoạn
  • Muối vừa đủ
Cách làm: thịt bò rửa sạch, thái lát, cho vào nước sôi trần qua, hớt bọt bỏ đi; Đỗ trọng, Kỷ tử rửa qua, sau đó cho tất cả nguyên liệu trên và rượu nếp đã chuẩn bị vào nồi, cho thêm lượng nước vừa đủ, đun lửa lớn cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun đến khi thịt bò chín mềm là được; vớt bỏ Đỗ trọng, gừng, hành, gia thêm gia vị vừa ăn là được.
Công dụng: có tác dụng hỗ trợ cải thiện chứng Thận hư gây tai ù, nghe kém.
Ngoài những món ăn trên còn có rất nhiều những món ăn, bài thuốc hay và bổ ích, giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Việc chú trọng dưỡng sinh trong ăn uống có thể giúp chúng ta phòng tránh được rất nhiều bệnh tật. Trong đời sống chúng ta có thể vận dụng các kiến thức trên và biến tấu linh hoạt các thực phẩm để làm phong phú, đa dạng các món ăn cho phù hợp với khẩu vị của từng người.
BS. Nguyễn Yến
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Cúp Vàng Danh y Xuất Sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siêu Cúp Thương Hiệu Nổi Tiếng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Cúp Vàng Vì Sức khỏe Người Việt - Bộ Y Tế
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Kỷ niệm chương quốc tế về liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Cúp Vàng Thương Hiệu Gia Truyền Nổi Tiếng Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Kỷ Lục Guiness Nhà Thuốc Đông Y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Top 10 thương hiệu uy tín Đông Nam Á
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Giải thưởng Cúp vàng quốc tế về Sức khỏe và Chữa bệnh
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới
Đĩa vàng khoa học sáng tạo - Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới