Xã hội phát triển, tây y ngày càng hiện đại thì càng có nhiều người muốn quay về với đông y, về với liệu pháp chữa bệnh tự nhiên, chữa từ gốc của bệnh lại rất an toàn. Đông y có nhiều phương pháp như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi... Trong đó việc dùng thuốc rất được coi trọng. Vậy để thuốc phát huy được tác dụng ngoài việc chẩn đoán đúng, kê đơn chuẩn thì việc sắc thuốc và uống thuốc cũng quan trọng không kém. Cùng tìm hiểu một số lưu ý khi sắc thuốc và cách uống thuốc đông y.
Một số lưu ý khi sắc thuốc và cách uống thuốc đông y
1. Một số lưu ý khi sắc thuốc đông y
Thuốc đông y có nhiều loại rất đa dạng từ thảo mộc trên rừng, khoáng vật trong lòng đất, các loại động vật trên rừng dưới biển, mỗi loại đều có những cách sắc riêng dựa theo tính chất của từng vị thuốc.
- Cách sắc với các thảo dược có tinh dầu thơm
Các vị thuốc giải biểu thường có tinh dầu thơm như Bạc hà, Kinh giới, Tía tô, Hoắc hương... khi sắc nên cho vào sau cùng. Thường cho vào trước khi bắc xuống khoảng 10-15 phút để tránh bay hết tinh dầu thơm.
- Cách sắc với các vị khoáng vật
Nhiều loại khoáng vật, động vật hay các vị thuốc cứng, rắn, chắc được sử dụng làm thuốc như Mai mực, Quy bản, Hoạt thạch, Mẫu lệ... cần được đập vụn rồi mới cho vào sắc. Có thể sắc trước để đảm bảo hoạt chất ra được nhiều nhất.
- Cách sắc các loại hạt nhỏ
Các vị thuốc có kích thước nhỏ bé như Thỏ ty tử, Xa tiền tử, Tô tử, La bạc tử... thì nên cho vào túi vải rồi hãy cho vào nồi sắc để tránh rơi vãi ra bên ngoài.
- Cách sắc các vị thuốc có độc tính
Vị thuốc Phụ tử, Ô đầu, Thảo ô có chứa độc, cần sắc trước khoảng 30 phút rồi mới cho các thuốc khác vào sắc cùng. Làm vậy để giảm độc tính của các vị thuốc có độc.
- Cách sắc các vị thuốc quý
Các vị thuốc quý hiếm, giá thành cao như sâm ngọc linh, nhân sâm, đông trùng hạ thảo nên sắc riêng rồi trộn chung với thuốc sắc để uống. Việc sắc riêng sẽ đảm bảo dùng được tối đa lượng hoạt chất trong các vị thuốc quý.
- Cách sắc một số vị thuốc đặc biệt khác
Một số vị thuốc có lông tơ, xơ mỏng khiến khi uống rất khó chịu, ngứa họng như Đại phúc bì thì cần bọc túi vải rồi mới đem sắc.
2. Một số lưu ý trong các uống thuốc
Để việc uống thuốc đạt hiệu quả cao thì nên sắc thuốc 3 lần cô đặc lại, sau đó trộn chung với nhau rồi mới uống. Thuốc sắc nên uống trong ngày, nếu để sang ngày hôm sau cần được bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo an toàn.
Các thuốc thanh nhiệt, thuốc dưỡng âm nên uống lúc nguội. Thuốc phát tán phong hàn, thuốc trừ hàn, thuốc bổ dương nên uống thuốc lúc ấm nóng. Các thuốc chữa ngoại cảm, trừ phong nên uống lúc đang có bệnh.
Các thuốc bổ và thuốc chữa bệnh mạn tính nên uống sau ăn 1-2 giờ, uống ngày 2 ngày sáng và tối. Đối với trẻ em thì cần giảm liều và chia thuốc uống nhiều lần trong ngày để tăng hấp thu thuốc.
Nguồn: https://dongythoxuanduong.com.vn
Bác sĩ Thúy Hường