Viêm xoang là căn bệnh khó điều trị dứt điểm, nếu không điều trị hoặc không có phương pháp điều trị hợp lý thì bệnh sẽ diễn biến ngày một nặng thêm và gây ra các biến chứng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Ngoài những phương thuốc uống trong, thuốc xịt, thuốc xông mũi ra, y học cổ truyền còn có liệu pháp châm cứu điều trị bệnh viêm xoang.
Bệnh viêm xoang theo y học cổ truyền
Theo
y học cổ truyền, viêm xoang thuộc phạm vi các chứng tỵ lậu, tỵ uyên, đầu thống… Bệnh phát sinh bởi phế nhiễm phong hàn, phong nhiệt ảnh hưởng đến công năng tuyên phát túc giáng, phong nhiệt độc ứ lại ở xoang, mũi gây bệnh (mũi là khiếu của phế) hoặc do nhiệt uất lại ở đởm kinh đưa lên mũi gây bệnh.
Viêm xoang có các biểu hiện chính là đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, tùy thuộc vào triệu chứng ta có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh (nếu do phong hàn thì nước mũi trong loãng, nếu do phong nhiệt, nhiệt độc nước mũi vàng đặc hôi). Các triệu chứng toàn thân thì tùy vào thể bệnh mà biểu hiện khác nhau:
-
Do phong hàn: Hắt hơi, ho, sốt, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn;
-
Do phong nhiệt, nhiệt độc: Miệng đắng, đau đầu, đau mạng sườn, lưỡi đỏ, bẩn, mạch huyền sác.
Phương huyệt châm cứu điều trị viêm xoang hiệu quả
Pháp điều trị bệnh viêm xoang bao gồm:
-
Do phong hàn: Sơ phong tán hàn, tuyên phế, khai khiếu;
-
Do phong nhiệt: Phát tán phong hàn, thanh phế nhiệt, khai tỵ khiếu;
-
Do nhiệt độc: Thanh phế, đởm nhiệt, khai tỵ khiếu.
Phương huyệt điều trị:
-
Các huyệt tại chỗ: Nghinh hương, Ấn đường, Dương bạch, Quyền liêu, Thông thiên.
Các huyệt toàn thân:
-
Viêm xoang do phong hàn: Phong Trì, Phế du;
-
Viêm xoang do phong nhiệt: Ngoại quan, Phong Trì, Hợp cốc, Phế du;
-
Viêm xoang do nhiệt độc: Khiếu âm, Trung chữ.
Châm các huyệt trên, lưu kim hoặc điện châm 20 – 30 phút, ngày 1 lần. Liệu trình từ 10 – 15 ngày.
Có thể sử dụng phương pháp cấy chỉ theo phương huyệt trên để điều trị
bệnh viêm xoang thay cho châm cứu.
Phân tích phương huyệt
-
Huyệt Nghinh hương: Vị trí của huyệt nằm ở điểm giao nhau của đường ngang qua chân cách mũi và rãnh mũi - má. Huyệt Nghinh hương có tác dụng làm mũi được lưu thông, tên huyệt có nghĩa là đón nhận (nghinh) được mùi thơm (hương).
-
Huyệt Ấn đường: Vị trí của huyệt là điểm nằm chính giữa hai đầu cung lông mày, nằm trên sống mũi. Là huyệt có tác dụng điều trị các chứng đau đầu (đầu thống), ninh tâm an thần, làm thông lợi mũi và mắt (tỵ mục).
-
Huyệt Dương bạch: Vị trí của huyệt nằm ở trước trán, trên đường thẳng qua chính giữa mắt, và phía trên lông mày (huyệt Ngư yêu) cách 1 thốn. Huyệt Dương bạch có tác dụng điều trị đau đầu vùng trán.
-
Huyệt Quyền liêu: Vị trí của huyệt nằm ở dưới xương gò má, điểm gặp nhau của đường chân cánh mũi kéo ngang ra và bờ ngoài của mắt kéo xuống. Châm huyệt Quyền liêu trong trường hợp viêm xoang hàm rất hiệu quả.
-
Huyệt Thông thiên: Là hai huyệt nằm ở hai bên và phía trước huyệt Bách hội, nằm trên hai đường thẳng nối từ giữa hốc mắt ra sau gáy, song song với đường thẳng chính giữa, cách chân tóc trước trán khoảng 4 - 5 đốt ngón tay về phía đỉnh đầu. Thông có nghĩa thông suốt, Thiên là vùng đầu, huyệt Thông thiên là nơi khí của kinh túc thái dương Bàng Quang thông suốt với huyệt Bách Hội ở vùng đầu, trị các bệnh ở mũi, xoang, mà mũi liên hệ với hệ hô hấp, làm cho nó thông lên đầu.
-
Huyệt Trung chữ: Vị trí của huyệt nằm trên mu tay, giữa xương bàn tay 4 và 5, từ kẽ ngón tay đo lên 1 thốn. Huyệt có tác dụng thanh lợi cửu khiếu, sơ khí cơ thiếu dương kinh.
-
Huyệt Ngoại quan: Vị trí của huyệt nằm mặt sau cẳng tay, ở trên lằn chỉ cổ tay đo lên 2 thốn, giữa xương quay và xương trụ. Có tác dụng giải biểu nhiệt, thông kinh lạc.
-
Huyệt Hợp cốc: Huyệt được xác định bằng cách khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, điểm gồ cao nhất giữa 2 ngón là huyệt. Có tác dụng thanh tiết phế khí, phát biểu, giải nhiệt, khu phong.
-
Huyệt Phong trì: Vị trí của huyệt nằm ở chỗ lõm bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám sọ. Có tác dụng khu phong, giải biểu, thông khiếu. Điều trị các bệnh do phong hàn, phong nhiệt gây ra.
-
Huyệt Phế du: Vị trí của huyệt nằm ở gian đốt sống D3 – D4 đo ra 2 bên 1,5 thốn. Có tác dụng sơ tán ngoại tà, thông phế khí, bổ hư lao, hòa vinh huyết.
-
Huyệt Khiếu âm: Là huyệt thứ 11 của kinh túc thiếu dương đởm. Huyệt có tác dụng thanh tả đởm hỏa.
Bệnh viêm xoang sẽ được điều trị toàn diện hơn nếu chúng ta kết hợp dùng thuốc uống, thuốc xịt và châm cứu hoặc cấy chỉ. Ngoài ra, người bệnh còn phải có chế độ ăn uống lành mạnh, vệ sinh vùng xoang mũi, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, đảm bảo môi trường sống trong sạch và lành mạnh để giúp phòng chống bệnh viêm xoang.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường