Nhằm cung cấp cho đọc giả những bài thuốc y học cổ truyền quý báu, cách phòng và chữa các căn bệnh hay gặp, giúp Người cao tuổi sống vui - sống khoẻ - sống có ích. Tạp chí Người cao tuổi và ngaymoionline.vn phối hợp với Nhà thuốc đông y gia truyền Thọ Xuân Đường mở chuyên mục: "Nam y với sức khoẻ người cao tuổi" trên số báo ra thứ sáu hàng tuần. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi và thảo luận của độc giả. Trân trọng!
Bài đăng trên Tạp chí Người cao tuổi số 66 ra ngày 02/04/2021
Không chỉ nhìn nhận bệnh tật dưới góc độ của khoa học hiện đại mà Nam Y còn phân tích bệnh tật theo lý luận y học cổ truyền và quy luật sinh học. Do đó, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị của Nam Y rất toàn diện, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
1. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi
Tuổi càng cao, chức năng của cơ thể càng giảm, không còn được linh hoạt, bệnh tật cũng xảy ra thường xuyên hơn. Người cao tuổi thường bị các bệnh như:
-
Bệnh về hệ thống tuần hoàn: Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp… chiếm tỷ lệ tương đối nhiều. Một số trường hợp, các loại bệnh này thường gặp ở những người béo phì, nghiện bia, rượu.
-
Bệnh về hệ hô hấp: Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào và những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều... Đặc điểm của bệnh về đường hô hấp lại thường hay xảy ra vào mùa lạnh hoặc mùa đông, thay đổi thời tiết, lúc giữa đêm gần sáng, do đó rất dễ làm cho người cao tuổi có thể mất ngủ kéo dài.
-
Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng...
Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có một lý do mà người cao tuổi hay gặp phải là do ít vận động. Một số người cao tuổi thường ngồi một chỗ, thêm vào đó là ít ăn rau, uống ít nước nên rất dễ bị bệnh trĩ.
Tuổi càng cao, chức năng của cơ thể càng giảm, không còn được linh hoạt, bệnh tật cũng xảy ra thường xuyên hơn
Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính... Các loại bệnh này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh ở người cao tuổi phát sinh.
Bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục: Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc có thể bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục, tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều khó chịu cho người cao tuổi.
Bệnh về hệ xương khớp: Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là mùa lạnh.
-
Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp, gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy.
-
Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.
Bệnh về hệ thần kinh trung ương: Đa số người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần theo tuổi nên làm cho trí nhớ giảm, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.
Rối loạn một số chỉ số về mỡ máu: Cholesterol, triglycerid; rối loạn về chức năng gan: SGOT, SGPT; đái tháo đường (bệnh tiểu đường) cũng là một số biểu hiện dễ gặp ở người cao tuổi do suy giảm chức năng sinh lý; đi kèm các rối loạn một số chỉ số này thường gặp ở người cao tuổi có tăng huyết áp, viêm gan, nghiện rượu…
-
Bệnh đái tháo đường không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn gặp ở người tuổi trẻ nhưng với người cao tuổi thường ít được phát hiện mà khi đã phát hiện bệnh thì thường muộn, đôi khi đã có biến chứng.
-
Ngoài ra, người ta còn thấy người cao tuổi thường thiếu một lượng nước cần thiết do thói quen uống ít nước hoặc ăn nhiều chất đạm như: cá, trứng, thịt gà, thịt lợn, thịt bò… làm xuất hiện một số bệnh về đường tiêu hóa hoặc làm da khô, nứt nẻ khó chịu…
2. Chẩn đoán theo Nam Y
Đối với Nam Y, trước khi chữa bệnh cần khám và chẩn đoán theo y học hiện đại, y học cổ truyền và những phương pháp khác biệt. Đây là cách chẩn đoán toàn diện, rất phù hợp trong việc khám chữa bệnh cho người cao tuổi vì tính toàn diện, đủ khoa học và lý luận. Chẩn đoán của Nam Y bao gồm:
Theo y học hiện đại:
-
Khai thác bệnh sử, hỏi về triệu chứng cơ năng, tiền sử gia đình.
-
Khám lâm sàng.
-
Thăm dò bằng cận lâm sàng.
-
Chẩn đoán xác định bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo y học cổ truyền:
-
Vọng chẩn (nhìn): thần, sắc, hình thái, mũi, mắt, môi, lưỡi, bộ phận bị bệnh.
-
Văn chẩn (nghe, ngửi): Nghe tiếng nói, tiếng thở, tiếng ho, tiếng nấc. Ngửi hơi thở, chất thải.
-
Vấn chẩn (hỏi): hàn nhiệt, mồ hôi, ẩm thực, đại tiểu tiện, đầu thân, giấc ngủ, sinh dục, cựu bệnh…
-
Thiết chẩn (sờ): Mạch, tay chân, bụng.
Chẩn đoán khác:
-
Đo kinh lạc, quét thăm dò chức năng không xâm lấn (sử dụng máy DDFAO).
-
Phân tích tình trạng bệnh theo quy luật tự nhiên.
3. Nguyên tắc của Nam Y đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Đối với chẩn đoán, phân tích bệnh học, Nam Y có sử dụng kiến thức y học hiện đại nhưng trong điều trị Nam y hoàn toàn sử dụng liệu pháp tự nhiên, nói không với hóa chất độc hại. Đối với người cao tuổi, điều trị cũng tuân theo những nguyên tắc chung của Nam Y, tuy nhiên vì đặc điểm sinh lý, bệnh lý thay đổi nên cần phải chú ý một số điều. Nguyên tắc của Nam Y đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như sau:
-
Phòng bệnh hơn trị bệnh: Ăn uống, dưỡng sinh, dùng thuốc thảo dược, trị liệu nâng cao sức khỏe phòng bệnh. Thường xuyên khám sức khỏe để phát hiện sớm bệnh, kịp thời chữa trị khi bệnh chưa nặng.
-
Chú ý đến tình trạng hoãn, cấp: Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính (hoãn), chính khí hư suy, khả năng phục hồi chậm, nếu nóng vội thì điều trị không hiệu quả.
-
Khứ tà thì phải công bổ kiêm thi: Người cao tuổi chính khí hư suy, tà khí xâm nhập. Cần phải khứ tà đi đôi với nâng cao chính khí.
-
Phù chính phải tiến hành từ từ: Đối với người cao tuổi, khi điều trị lấy bổ làm chủ nhưng phải từ từ, tránh sự thiên lệch, đảm bảo bổ mà không trệ, khí huyết lưu thông, tỳ vị kiện vận, âm dương bình hành.
-
Bổ hư phải chú ý 2 tạng tỳ, thận: tỳ chủ hậu thiên, thận chủ tiên thiên.
-
Khi dùng thuốc, lưu ý sơ thông: Người cao tuổi dễ bị khí ngưng huyết trệ, can khí uất kết.
-
Ra phác đồ điều trị phải rõ ràng: Tình trạng bệnh ở người cao tuổi phức tạp, hư thực lẫn lộn, hàn nhiệt thác tạp, biểu lý tương kiêm, ngũ tạng khí huyết khuy tổn nên cần phải chú ý đến chủ chứng và chứng hậu kèm theo để phối ngũ phương thuốc, phương huyệt cho đúng.
-
Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng rất quan trọng với người cao tuổi, cần tuân thủ nhưng nguyên tắc ăn uống đúng thời gian, đủ dinh dưỡng, kiềm hóa cơ thể. Những người mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tim mạch, gan, thận, gout… phải kiêng một ăn một số loại thực phẩm nhất định theo chỉ định của thầy thuốc.
-
Luyện tập: Để có sức khỏe tốt cần phải cân bằng âm dương mà tập luyện khí công dưỡng sinh sẽ giúp điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ. Nên tập thể dục thể thao phù hợp khả năng và tình trạng sức khỏe; tập thiền, tập thở; tham gia các câu lạc bộ như khiêu vũ, yoga, thái cực quyền…
Với những thế mạnh trong chẩn đoán và điều trị, Nam Y đã và đang giúp nhiều người cao tuổi có sức khỏe tốt, đời sống nâng cao, góp phần làm cuộc sống văn minh, tươi đẹp hơn.
Nguồn: https://dongythoxuanduong.com.vn
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường